10h25 ngày 27/6, thí sinh cả nước hoàn thành bài thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia. Khác với ngày thi đầu tiên, nhiều em hồ hởi vì đề của hai trong ba môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội dễ lấy điểm.
Đề Địa dễ, gần gũi với thực tế
Thí sinh nội thành Hà Nội hoàn thành bài thi cuối cùng trong cơn mưa tầm tã. Tại cổng điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy), nhiều em phấn khởi vì làm được bài.
Dùng tổ hợp Toán - Văn - Anh để xét tuyển đại học, nhưng Hồ Diễm Quỳnh, học sinh trường THPT Cầu Giấy, không gặp khó khăn với 40 câu hỏi Địa lý. Em đánh giá đề thi khá dễ và có sự phân hóa rõ ràng. "Đề có nhiều câu trong Atlat và câu gần gũi với thực tế nên chỉ cần biết kết hợp kiến thức trên lớp và sử dụng Atlat là có thể làm được, đảm bảo đủ điểm xét tốt nghiệp", Quỳnh chia sẻ.
Rời điểm thi THCS Thái Nguyên (TP Nha Trang, Khánh Hòa), thí sinh Bùi Thị Thu Ngân cho biết hơn một nửa đề nằm trong chương trình lớp 12 xoay quanh các chủ đề khí hậu, khoáng sản. Ngân chỉ mất khoảng 40 phút hoàn thiện bài bởi đề không khó. "Riêng những câu biểu đồ khá đơn giản. Em đã ôn luyện và thực hành nhiều lần nên không khó vượt qua", Ngân nói và dự đoán được 7 điểm.
Tại TP HCM, nhiều thí sinh tươi rói bởi đề Địa lý khá nhẹ nhàng, nhiều câu hỏi thực tế thú vị. Trần Ngọc Mai (quận 3) cho biết chỉ mất nửa tiếng để hoàn thành bài thi, nhiều câu chỉ cần dùng Atlat Địa lý là có thể giải quyết trong tích tắc.
Cô Vũ Thị Bắc (giáo viên Địa lý, trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP HCM) nhận xét, nội dung và phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi tham khảo, bám sát chương trình phổ thông lớp 12 và thêm chương trình 11.
Kiến thức phủ đều các chuyên đề, nội dung câu hỏi đều thuộc vấn đề quen thuộc mà các em được học trong chương trình phổ thông, ví dụ địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lý vùng kinh tế cùng với kỹ năng thực hành như phân tích bảng số liệu, biểu đồ, đọc Atlat… Học sinh có thể dựa vào Atlat để lấy điểm với những câu thuộc bài.
Theo cô Bắc, mức độ khó của đề được thể hiện khá rõ để đảm bảo hai mục tiêu của kỳ thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức cơ bản, các câu khó tăng dần và đặc biệt câu cuối có độ khó hơn hẳn, rơi vào chuyên đề địa lý vùng kinh tế, ngành kinh tế, những vấn đề thực tế của cuộc sống như xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề tiêu thụ nông sản, khó khăn của ngành chăn nuôi, du lịch biển đảo... cũng được cập nhật đưa vào đề thi.
Thầy Lê Đức Tài (Tổ trưởng môn Địa lý, THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM) cho rằng nếu thí sinh nắm kiến thức căn bản, lấy điểm 6 không khó. "So với đề thi năm ngoái, đề cũng tương đương, không khác nhiều, không làm khó các em", thầy Tài nói và nhận định thêm đề có tính phân hóa nhưng chưa thực sự cao.
Thí sinh đánh giá về đề Địa.
Giáo dục công dân là môn "dễ thở" nhất trong cả kỳ thi
Giống như năm 2017, Giáo dục công dân - môn thi cuối cùng, được cho là môn dễ nhất, giúp thí sinh kết thúc kỳ thi kéo dài ba ngày trong sự thoải mái. Em Bùi Hải Phúc (TP HCM) ấn tượng với câu hỏi liên hệ thực tế. "Em rất thích vấn đề tài chính kinh doanh và tài chính gia đình. Với những câu tình huống thú vị này, đề có thể kiểm tra được khả năng xử lý thực tế của học sinh", Phúc nói.
Trong khi đó, Bùi Thị Kim Chi (quận Bình Thạnh, TP HCM) vui mừng cho biết đề Giáo dục công dân rất dễ, chỉ cần 30 phút là làm xong. Chi đánh giá đề bám sát chương trình nhưng hay hơn đề năm ngoái với nhiều câu hỏi đòi hỏi suy luận.
Ở Quảng Nam, thí sinh Thái Nhật Hà tự tin đạt trên 8 điểm. "Đề không khó, nhưng hai trang cuối có nhiều câu hỏi đưa ra tình huống và rất dài, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn đáp án", Hà nhận định.
Còn Anh Thư, thi tại điểm THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), thì khẳng định chỉ cần học kỹ phần lý thuyết thì không có gì khó, kể cả những câu hỏi tình huống pháp lý. "Điểm tối đa ở môn thi này có lẽ sẽ nhiều hơn các môn khác", Thư dự đoán.
Cô Vũ Thùy Anh (Tổ trưởng Giáo dục công dân, THPT Nguyễn Du, TP HCM) cho biết so với đề năm ngoái, đề Giáo dục công dân năm nay hay hơn, vừa sức với học sinh, bám sát chương trình ôn tập và đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục. Mức độ khó dễ của đề cũng phân bố đều ở chương trình lớp 11, 12. Kiến thức lớp 11 chiếm 20% tập trung ở 5 bài đầu lớp 11.
Theo cô Thùy Anh, khác với đề năm ngoái quá dễ thì đề năm nay có nhiều câu hỏi thực tiễn, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy luận, đọc kỹ đề thi và kỹ năng làm bài mới giải quyết được. Học sinh trung bình sẽ đạt 6-7 điểm.
Giáo viên tổ Khoa học xã hội của Hệ thống giáo dục Học mãi cũng đánh giá đề hay với nhiều câu hỏi vận dụng tình huống thực tế, các vấn đề mang tính thời sự như truyền đạo trái phép, cá độ bóng đá hay mặt trái của mạng xã hội.
Thí sinh đánh giá về đề Giáo dục công dân.
Đề Sử khó nhất trong tổ hợp Khoa học xã hội
Rời điểm thi THCS Thái Nguyên (TP Nha Trang, Khánh Hòa), Lê Nguyên Hồng Hà cho biết đề Sử khó hơn so với năm trước, nhiều câu dạng mở, đòi hỏi phải nắm vững kiến thức và biết suy luận. "Phần lịch sử Việt Nam bao trùm toàn bộ kiến thức lớp 12. Để đạt điểm cao, học sinh phải nhớ được những sự kiện nhỏ nhất", Hà nói và dự tính được 6 điểm.
Trong khi đó, binh nhất Lê Chánh Thực công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận đề Sử khá khó. Ngoài nội dung dài thì nhiều câu có đáp án gần như giống nhau, dễ gây nhầm lẫn nếu không nắm vững kiến thức. “Em phải loay hoay với môn Sử mới có thể hoàn thành”, Thực nói và cho biết để đạt điểm tốt nghiệp THPT thì được, còn xét tuyển đại học thì khó có điểm cao.
Tại Hà Nội, thí sinh Diễm Quỳnh cho rằng đề Sử hợp với học sinh chuyên Sử hơn những bạn bình thường. "Em không dùng Sử để xét tuyển đại học nên không ôn kỹ. Với đề này, em nghĩ được 5-6 điểm đã là tốt rồi", Quỳnh chia sẻ. Trong khi đó, Phạm Thanh Thảo lại làm tốt môn này vì "đề có nhiều câu mang tính chất đọc hiểu" và chỉ cần nắm rõ bản chất vấn đề là có thể trả lời được.
Từng đạt giải khuyến khích quốc gia môn Sử, Trần Ngọc Minh Đức (TP HCM) đánh giá đề thi không lắt léo. "Một số câu trong đề gắn với thực tế liên quan đến những vấn đề như toàn cầu hóa hay EU khá thú vị", Đức hồ hởi nói và thông tin nắm chắc 9,5 điểm.
Giáo viên tổ Lịch sử của Hệ thống giáo dục Học mãi cho biết trước đây đề thi lịch sử thường được cho là nặng về việc kiểm tra mức độ nhớ sự kiện của thí sinh. Tuy nhiên, đề thi hai năm nay cho thấy không có các câu hỏi kiểm tra về nhớ mốc thời gian mà được thiết kế để kiểm tra mức độ hiểu.
Có khoảng 10% tổng số câu hỏi thuộc dạng bài so sánh. Theo đó, để làm được học sinh phải nắm vững kiến thức về các sự kiện, đồng thời phải có sự phân tích, tổng hợp, bao quát và đánh giá vấn đề mới có thể hoàn thành tốt.
Cô Phạm Thị Hoài Thương (Tổ trưởng môn Sử, THPT Nhân Việt) cho biết, đề thi giống với đề tham khảo Bộ Giáo dục đã công bố, các câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh, không vượt quá kiến thức phổ thông.
"Nhìn chung đề thi có sự phân loại tốt, điểm trung bình thí sinh có thể đạt được là 5-6. Thí sinh khá giỏi phổ điểm sẽ dao động 7-8. Với đề này, các em sẽ đảm bảo xét tốt nghiệp nhưng điểm cao không nhiều", cô Thương nhận định.
16h chiều nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo đánh giá về kỳ thi và có thể công bố đề cùng đáp 9 môn thi THPT quốc gia.
Thí sinh nhận xét về đề Sử.