Cô giáo Nguyễn Ngọc Xuân, trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ đánh giá về đề thi Toán THPT quốc gia.
Tôi đang giảng dạy ở một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi mà điều kiện về mặt dân trí cũng như kinh tế xã hội còn nhiều thua kém so với các tỉnh thành khác. Khi được học sinh báo cáo về quá trình làm bài thi môn Toán vừa qua, tôi thấy đề thi THPT quốc gia 2018 có một số điểm tích cực như sau:
Thứ nhất, đối với những học sinh có học lực trung bình, hoàn toàn có thể làm đúng 25 câu đầu tiên. Các câu hỏi này tập trung khai thác kiến thức cơ bản, như hỏi về véc tơ pháp tuyến của mặt phẳng, phần thực, phần ảo của số phức, tính chất cơ bản của logarit, tích phân… và đặc biệt có những câu hỏi lý thuyết như công thức tính diện tích mặt cầu… (điều mà các đề thi tự luận trước đây không có). Kiến thức cơ bản này phủ hầu hết kiến thức cơ bản môn toán phổ thông nên tránh được tình trạng học sinh học tủ, học lệch.
Học sinh có học lực khá, giỏi thực sự, nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ hoàn thiện 25 câu đầu tiên trong khoảng 10-20 phút đầu, sau đó bắt đầu làm các câu vận dụng và vận dụng cao tùy vào mức độ nhận thức mà phổ điểm các em so sánh với đáp án chính xác của Bộ Giáo dục trải từ 4 đến hơn 9.
Thứ hai, đề thi năm nay tập trung khai thác kiến thức cơ bản, hiểu, nắm vững bản chất toán học chứ không có câu hỏi mang tính mẹo mực và đặc biệt không có các câu hỏi mà học sinh chỉ cần sử dụng máy tính cầm tay thử các đáp án là chọn được phương án đúng, không cần nắm rõ bản chất toán học (điều mà đề thi thử của hầu hết trường THPT chưa làm được). Sau kỳ thi này, chắc chắn sẽ có một sự thay đổi trong quá trình dạy và học môn Toán, các cách học mẹo mực, ghi nhớ, học thuộc lòng máy móc, không bản chất sẽ không có tác dụng.
Thứ ba, đề thi THPT quốc gia môn Toán năm 2018 có sự phân hoá rõ ràng, không có khả năng học sinh học kém mà may mắn đạt điểm cao. Những em được điểm trên 9 sẽ không nhiều và đều là những học sinh rất xứng đáng.
So với đề thi năm 2017, mức độ tính toán ở 15 câu hỏi cuối (dùng để phân loại học sinh khá, giỏi thực sự) giảm đi 50%, nhưng mức độ tư duy thì nặng gấp đôi. Điều này có lợi cho các học sinh nắm kiến thức sâu sắc, bản chất và có tư duy trong sáng, nhưng lại gây khó khăn cho các học sinh học theo hình thức thuộc bài, thiên về tính toán, đặc biệt các em học thêm ở lò luyện, học trực tuyến chưa gặp các dạng bài này nhiều.
Qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp, đại đa số thích kiểu câu hỏi trong đề: ngắn gọn về biến đổi, trong sáng về tư duy. Nhưng chúng tôi cũng thấy đề thi đã chỉ cho chúng tôi thấy hạn chế của bản thân là không “xoay” các bài tập đã có một cách kỹ lưỡng, thiếu bài toán “tổng hợp” kết nối kiến thức của các chương, đơn vị kiến thức. Tôi tin chắc rằng những đồng nghiệp của tôi ở các trường THPT chất lượng, các trường chuyên vẫn sẽ có nhiều học sinh điểm cao và cả điểm tuyệt đối.
Sau đây, tôi xin gửi đến bạn đọc cách giải quyết một số câu hỏi trong 15 câu hỏi cuối của mã đề 106 (hầu như các câu hỏi từ 36 đến 50 ở mỗi mã đề đều tương tự, chỉ khác nhau về số liệu):
Nguyễn Ngọc Xuân