Đại học Bách Khoa Hà Nội đang tuyển sinh ngành kỹ thuật tàu thủy (mã xét tuyển: TE4) với chỉ tiêu là 40 sinh viên. Trường sẽ xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh. Thông tin chi tiết xem tại đây hoặc Fanpage.
Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn kỹ thuật thủy khí và tàu thủy cho biết trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng lợi thế là quốc gia biển, ngành công nghiệp tàu thủy đang được hồi sinh và ngày càng phát triển xứng tầm với khu vực và trên thế giới. Vì vậy, nhu cầu nhân lực cho ngành kỹ thuật tàu thủy sẽ còn tăng cao.
Theo thống kê của bộ môn kỹ thuật thủy khí và tàu thủy, Viện Cơ khí động lực thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, 100% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật tàu thủy có việc làm ngay sau khi ra trường. Các bạn trẻ không chỉ làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trong nước mà còn có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế. Hàng năm, Công ty TNHH Daizo Tec cấp học bổng Intership cho một số sinh viên ưu tú đi thực tập tại nhà máy đóng tàu Oshima (Nhật Bản) và tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành kỹ thuật tàu thủy. Nhiều kỹ sư có cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm hấp dẫn.
Tiến sĩ Hương cho biết thêm với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài trên 3.260 km, có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên một triệu km2, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển. Hơn nữa, Việt Nam lại có vị trí địa lý thuận lợi, kề cận nhiều tuyến hàng hải quốc tế, thuộc khu vực đang có tốc độ phát triển kinh tế cao và thị trường vận tải biển sôi động, giao lưu với các châu lục nhanh chóng, dễ dàng. Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp tàu thủy nước nhà.
Kế thừa truyền thống hơn 60 năm phát triển của Đại học Bách Khoa Hà Nội, 20 năm đào tạo và phát triển ngành kỹ thuật tàu thủy, bộ môn kỹ thuật thủy khí và tàu thủy, Viện Cơ khí động lực là một trong những địa chỉ đáng tin cậy đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật tàu thủy tại Việt Nam. Viện có đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và tận tâm (6 phó giáo sư; 10 cán bộ giáo dục có trình độ tiến sĩ; hai cán bộ phục vụ giảng dạy có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ) được đào tạo ở các nước có nền khoa học tiến tiến như Pháp, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... cùng chương trình đào tạo tích hợp linh hoạt, luôn cập nhật những xu hướng công nghệ mới áp dụng vào chương trình giảng dạy. Nhờ đó, kỹ sư ngành Kỹ thuật tàu thủy không chỉ nắm vững kiến thức chuyên ngành mà còn nắm chắc các kiến thức kỹ thuật cơ khí - cơ khí động lực.
Đặc biệt, từ năm 2017, trường đưa phần mềm thiết kế tàu thủy AVeva - Marine do Tập đoàn Aveva tài trợ vào giảng dạy trong chương trình đào tạo. Đây là phần mềm chuyên dụng dùng trong thiết kế tàu thủy hiện đại, có khả năng đồng bộ, liên kết dữ liệu trong toàn bộ quá trình thiết kế, chế tạo và vận hành tàu. Phần mềm này có thể liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu của hãng Aveva phục vụ công tác thiết kế, thi công và quản lý vật tư, thiết bị.
Tiến sĩ Phạm Văn Sáng - Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực - người trực tiếp giảng dạy phần mềm này cho rằng giải pháp tổng thể của Aveva - Marine mang lại cho sinh viên cơ hội được thực hành tất cả công đoạn thiết kế của tàu. Vì vậy, sinh viên hòa nhập rất nhanh với công việc sau khi tốt nghiệp,khắc phục được tình trạng "phải đào tạo thực hành lại sau khi ra trường" - một thực tế thường xảy ra đối với sinh viên Việt Nam.
Nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên chuyên ngành kỹ thuật đam mê thiết kế có cơ hội được trải nghiệm thực tế, trong những năm qua, bộ môn kỹ thuật thủy khí và tàu thủy đã tổ chức các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, tổ chức định kỳ cuộc thi "Thiết kế và đua tàu mô hình - Shipcom". Đây là sân chơi bổ ích, trí tuệ, sáng tạo, giúp sinh viên trau dồi về kiến thức chuyên ngành, tăng sự gắn kết, giao lưu giữa các thế hệ sinh viên.
Ngoài ra, với phương châm truyền lửa, thắp sáng niềm đam mê cho sinh viên chuyên ngành, Hội cựu sinh viên kỹ thuật tàu thủy đã thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học sinh viên. Quỹ nhằm hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và trao những suất học bổng cho sinh viên kỹ thuật thủy khí có thành tích học tập tốt hàng năm.
Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở những cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật tàu thủy, công trình nổi, cơ khí - cơ khí động lực. Đó là các công ty thiết kế, tư vấn, công nghệ và dịch vụ tàu thủy; công ty vận tải biển, công ty - nhà máy đóng tàu; Cục đăng kiểm; Trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo ngành kỹ thuật tàu thủy; công ty xây dựng, kết cấu thép, công trình biển, dịch vụ dầu khí... hoặc có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu sau đại học trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Pháp...
(Nguồn: Đại học Bách Khoa Hà Nội)