- Bảng xếp hạng 49 đại học do một nhóm độc lập công bố mới đây đã làm nóng dư luận, ông bình luận gì về sự kiện này?
- Hiện nay bảng xếp hạng lớn nhất thế giới chỉ đánh giá được 1.000 trường, tức khoảng 3% số đại học được xếp hạng, còn lại nằm ngoài bảng. Như vậy chỉ trường tinh hoa được xếp hạng, còn sự nghiệp giáo dục đại học vẫn nằm ở 97% trường còn lại.
Có nhiều ý kiến cho rằng "chất lượng bảng xếp hạng vừa qua chưa được như mong muốn nhưng nói chung xếp hạng là tốt". Tôi nghĩ, ý kiến đó cần xem xét. Trước đây, cứ mỗi tháng thầy cô đều tính điểm tổng kết của học sinh sau đó xếp thứ hạng. Người nhất lớp, người nhì lớp, người đội sổ. Việc này được thống nhất là không tốt và đã được bỏ.
Xếp hạng đại học là so sánh các trường với nhau. Như vậy thì dù tất cả tốt, hay tất cả xấu thì khi xếp sẽ có trường đầu bảng, trường cuối bảng, vì là so với nhau chứ không so với chuẩn nào. Điều này về cơ bản không có nhiều ích lợi vì anh nào giỏi vẫn cứ giỏi, anh nào dốt thậm chí không thèm nhảy vào cuộc. Bảo họ phấn đấu cũng khó vì muốn vào top 100 thì phải ủn được một trường trong top này ra ngoài. Việc này không phải dễ. Giống như một học sinh dốt muốn vươn lên giỏi thì dễ, nhưng muốn chiếm vị trí 10 người giỏi đầu tiên là khó.
Giả sử ở Việt Nam có đủ điều kiện và số liệu để xếp hạng tất cả trường thì 10% trường có thứ hạng thấp nhất sẽ thế nào? Xã hội mất niềm tin, học sinh cân nhắc không vào học... Những trường này rơi ngay vào tình trạng khó tuyển sinh, dẫn đến sụp đổ. Họ chết thì 10% trường thứ hạng thấp nhất khác sẽ được đẻ ra vì đằng nào xếp hạng từ trên xuống dưới.
Tôi ủng hộ chuyện kiểm định, đánh giá các trường đại học nhưng bằng cách khác chứ không phải là xếp hạng.
TS Lê Trường Tùng. Ảnh: FU |
- Nếu không xếp hạng thì theo ông cách nào là tối ưu để đánh giá được một trường đại học tốt hay chưa tốt?
- Thế giới đã chỉ ra chuyện đầu tư cho một trường để đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng thế giới không cẩn thận sẽ đi chệch mục tiêu cốt lõi của trường là làm thế nào để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho sinh viên. Tham gia xếp hạng rồi lại đầu tư làm sao để được điểm cao nhất, như vừa qua nhiều trường chạy đua số bài báo được đăng theo tiêu chuẩn ISI. Họ đề nghị những ai viết được bài báo nào thì đăng ký là người của trường.
Chuyện nhập khẩu bài báo ISI không phải xấu nhưng chạy theo thì không cẩn thận sẽ xa rời mục tiêu cốt lõi, tạo danh tiếng nhiều hơn là giá trị thực tế. Đáng lẽ tiền dùng để gia tăng điều kiện học tập cho sinh viên thì lại đi nhập khẩu các bài báo về để đăng ký xếp hạng, không quan tâm đến chuyện sinh viên được hưởng cái lợi gì, có tham gia nghiên cứu khoa học hay không.
Sau 15 năm bảng xếp hạng đầu tiên ra đời, có một thực tế là các bảng xếp hạng khác nhau thì kết quả không hoàn toàn trùng nhau, chưa nói đến việc có công bằng và chính xác tuyệt đối hay không. Nếu làm không khéo thì còn khiến các trường chạy theo thành tích, đi lệch hướng, và làm xã hội lúng túng, nghi ngờ.
Vì vậy, tôi cho rằng không nên so sánh các trường với nhau mà nên so với chuẩn. Việc định chuẩn là đưa ra các tiêu chí xếp hạng sao giống như khách sạn. Ví dụ khách sạn phải có bể bơi, phòng ốc rộng bao nhiêu, cơ sở vật chất thế nào thì được gắn 5 sao. Hay giống như xếp loại học sinh, các em phải đạt điểm bao nhiêu mới được xếp loại xuất sắc, bao nhiêu điểm là giỏi và khá, chứ không xếp loại từ đầu đến đội sổ.
Như vậy, các trường sẽ phấn đấu đạt chuẩn chứ không phải đạt thứ hạng cao. Việc này sẽ giúp chúng ta nhìn được bức tranh chất lượng giáo dục là như thế nào, từ đó phấn đấu.
- Các tiêu chí định chuẩn của trường đại học theo ông là gì?
- Mục tiêu của trường đại học là làm thế nào để phục vụ sinh viên được tốt nhất chứ không phải để ủn được trường khác xuống hạng dưới trường mình. Vì vậy, một trường đại học tốt là đào tạo giỏi, cơ sở vật chất khang trang, quốc tế hóa cao, sinh viên ra trường có việc làm, được doanh nghiệp đánh giá cao.
Như vậy phải gắn sao cho bốn yếu tố nói trên. Đó là thông số định chuẩn của một đại học. Riêng ở Việt Nam, việc quốc tế hóa chưa phải là quá quan trọng nên có thể chưa đánh giá hoặc với hệ số thấp. Ở mình quan trọng nhất là đào tạo và việc làm cho tốt. Thực tế, nhiều trường không đặt nặng vấn đề nghiên cứu khoa học mà đặt việc dạy như thế nào để đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn những trường thiên về nghiên cứu thì sẽ tập trung vào nghiên cứu và đào tạo sau đại học.
Nếu để đánh giá quốc tế hóa qua các thông số như có bao nhiêu % sinh viên, giảng viên nước ngoài, quá trình học bao nhiêu sinh viên được đi thực tập nước ngoài... thì các tiêu chí để đánh giá đào tạo tốt lại rất khó. Tất cả tổ chức xếp hạng quốc tế song song với các chỉ tiêu đo đếm được thì cuối cùng vẫn phải khảo sát sinh viên, giáo viên trong trường, giáo viên trường khác...
Cuối cùng, tùy theo từng tổ chức xếp hạng để cân nhắc tỷ trọng giữa ý kiến khảo sát chủ quan và số đo khách quan. Chất lượng đào tạo là chỉ tiêu rất khó đo nhưng lại phải đo đầu tiên vì nhiệm vụ quan trọng nhất của đại học là giảng dạy.
Yếu tố việc làm thì được đo thông qua tỷ trọng việc làm của sinh viên ra trường như thế nào, lương, ý kiến đánh giá doanh nghiệp ra sao.
- Đại học FPT đang tham gia gắn sao bởi tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS), điều này mang lại lợi ích gì?
- Năm 2012, Đại học FPT chủ động tham gia gắn sao của tổ chức QS vì nhận thấy đây là cơ hội để giao lưu quốc tế học hỏi kinh nghiệm. Năm đó trường được xếp hạng 3 sao. Sau 3 năm, QS Star đánh giá Đại học FPT đạt 3,5 sao trong đó tiêu chí chất lượng đào tạo, tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, cơ sở vật chất và đóng góp xã hội đạt 5 sao (98% sinh viên FPT có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp với mức lương khởi điểm trung bình 8,3 triệu đồng/tháng).
QS sẽ gắn sao từ mức rất thấp là 1 sao, lên đến 5 sao, 5 sao +. Có 12 chỉ tiêu trong quy trình kiểm định theo bảng xếp hạng của QS Stars được chia thành 4 nhóm chính. Nhóm thứ nhất - nhóm tiêu chí cốt lõi, gồm: Chất lượng đào tạo, tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, nghiên cứu và tính quốc tế hóa.
Nhóm thứ hai - nhóm môi trường học tập, gồm cơ sở vật chất; môi trường học tập dạng online, dựa trên nền tảng công nghệ. Nhóm thứ ba - nhóm tiêu chí đặc biệt, gồm: Chương trình kiểm định, xếp hạng về chương trình học tập và giảng viên. Và nhóm cuối cùng - nhóm các tiêu chí nâng cao, gồm: Hoạt động cải tiến, văn hóa nghệ thuật, tính toàn diện, trách nhiệm xã hội.
Mỗi chỉ tiêu có điểm tối đa 50-150 với những chỉ số riêng và các mức điểm cụ thể nhằm đánh giá toàn diện và chính xác nhất. Ví dụ, riêng tiêu chí Tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp sở hữu 4 chỉ số khác, gồm: Đánh giá của nhà tuyển dụng với sinh viên của trường (chiếm 50 điểm), tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp (50 điểm), dịch vụ hỗ trợ việc làm (50 điểm)...
Sau khi sang xem xét số liệu thực tế và thực hiện nhiều khảo sát, QS sẽ gửi cho trường một báo cáo chi tiết. Báo cáo này giống như việc bắt mạch, sẽ cho ta biết tình trạng sức khỏe của mình như thế nào. Đại học FPT được đánh giá cao việc đào tạo và việc làm, đầu tư cho cơ sở vật chất, nhưng nghiên cứu khoa học và quốc tế hóa thì thấp, chỉ được đánh giá 1-2 sao. Như vậy, trường sẽ biết mình có điểm nào tốt duy trì, còn điểm nào yếu thì cần tập trung làm để cải thiện.