Là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, nhà Nguyễn giai đoạn độc lập (1802-1858) làm chủ lãnh thổ từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Lựa chọn Nho giáo làm học thuyết trị nước, triều Nguyễn xây dựng mô hình giáo dục mô phỏng theo Trung Hoa.
Chương trình học tập phân thành tiểu học (dành cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi) và đại học (từ 10 tuổi trở lên, có vốn tri thức tương đối). Học trò học Tứ Thư, Ngũ Kinh, sau đó trải qua các kỳ thi lần lượt là Hương, Hội và Đình.
Theo Lịch sử Việt Nam tập 5, chương trình, phương thức dạy và học, thi cử của triều Nguyễn vẫn theo lối khoa cử sáo mòn từ nhiều thế kỷ trước. Điểm vượt trội là đã thực hiện chính sách giáo dục đối với các dân tộc ít người. Nhà Nguyễn là vương triều đầu tiên và duy nhất trong lịch sử trung đại triển khai việc này.
Chính sách giáo dục đối với dân tộc ít người được vua Minh Mệnh (còn gọi là Minh Mạng) thiết kế, vua kế nhiệm Thiệu Trị, Tự Đức thực thi với mục tiêu xây dựng nền Nho học thống nhất cả nước, không phân biệt người Kinh với người thiểu số, không phân biệt đẳng cấp, xóa bỏ dần hủ nạn, cục bộ ở vùng xa.
Triều đình xây dựng hệ thống học đường quy mô vừa và nhỏ với mạng lưới giáo chức đông đảo rải khắp địa bàn dân tộc thiểu số (trừ vùng Thủy Xá, Hỏa Xá ở Tây Nguyên). Ở vùng xa của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Long, Hà Tiên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn..., triều đình bố trí các giáo thụ (phụ trách học tập của một phủ), huấn đạo (quản lý học tập của một huyện) chuyên trách cho phủ, huyện, hoặc cụm huyện tùy theo nhu cầu của từng địa phương.
Việc tuyển giáo chức được triều đình coi trọng. Lịch sử Việt Nam tập 5 chép lại lời vua Minh Mệnh: "Hạ lệnh cho các tỉnh phải xét kỹ học hạnh của giáo chức được học trò tin theo, hoặc người nào học thức cạn hẹp không kham nổi chức vụ, phải soi xét phân biệt mà tâu lên, đợi trẫm cách bãi hoặc thăng chức. Nếu có nơi nào thiếu, cần phải tuyển bổ, nên chọn người lớn tuổi học giỏi sung vào".
Đến triều Thiệu Trị, hoạt động giáo dục ở một số huyện vùng cao phía Bắc đã có bước chuyển quan trọng. Theo tấu trình của Thự Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên Nguyễn Đăng Giai, ở Tuyên Quang vì "nhiều người thổ mục muốn cho con em theo học" nên xin dựng nhà học của tỉnh và đặt giáo thụ để giảng tập. Điều này chứng tỏ học lực của một số học trò người dân tộc đã vượt xa trình độ phổ cập tiểu học - mục tiêu ban đầu của triều đình.
Năm 1838, vua Minh Mệnh có dụ thể hiện rõ chính sách khuyến khích giáo dục vùng dân tộc thiểu số phía bắc. Các thổ huyện, châu ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa (nay là Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình), Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) đều đặt quan cai trị, mục đích muốn "nhân dân vùng đó hun đúc, tiêm nhiễm, trông nhau làm nên để có đường tiến thân".
"Những người vui lòng dựa vào triều đình để xem phong hóa, tưởng cũng chẳng thiếu gì. Nay cho thượng ty các tỉnh ấy xét trong hạt, không cứ con em thổ quan hay nhà dân, cũng không cứ học đủ văn thể ba trường, ai là người tuấn tú thông minh, cho được vào kinh, giao cho quan Quốc tử giám dạy cho học tập", sách Lịch sử Việt Nam chép.
Những cá nhân ưu tú vùng dân tộc ít người được gọi là Ân cống sinh, được cấp lương ăn học ở Quốc tử giám (đặt ở kinh thành Huế), cùng với Tôn sinh, Ấm sinh (người của hoàng tộc, con quan lại). Năm 1844, Quốc tử giám có một học sinh Cao Bằng, hai người Lạng Sơn, một người Tuyên Quang, một người Hưng Hóa và một người Thái Nguyên.
Đây là lần đầu tiên trong thành phần học sinh Quốc tử giám có thêm diện ưu đãi là con em vùng dân tộc ít người, không phân biệt xuất thân.
Học ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Ngoài việc khuyến học ở vùng dân tộc thiểu số, nhằm quản lý trực tiếp và thay đổi dần bộ mặt của vùng miền núi trên mọi phương diện, vua Minh Mệnh trú trọng đào tạo đội ngũ quan chức người dân tộc thiểu số biết chữ Hán và người Kinh biết chữ dân tộc.
Năm 1836, vua cho tìm người người Kinh biết chữ Hán, lại am tường chữ Chiêm, chữ Ni để mở lớp dạy tiếng dân tộc. Tại các tỉnh Bình Thuận, Hà Nội, Tuyên Quang, chọn tuyển học sinh học chữ và tiếng của người Chiêm, người Ni, Thanh, Thổ.
Ở Vĩnh Long, An - Hà, quan địa phương được lệnh tìm chọn những người minh mẫn, biết chữ Hán, cho học chữ Miên. Ở vùng rừng núi Nghệ An, triều đình xuống chỉ cho chiêu mộ những người thông hiểu tiếng dân tộc thiểu số trong hạt, điều về kinh để dạy tiếng và làm việc công. Ở biên giới phía Bắc, quan tỉnh Tuyên Quang Trần Ngọc Lâm đã mở lớp ở huyện Để Định, Vĩnh Điện. Lớp này do thầy giáo người Thổ dạy cho 5-6 học ính người bản hạt.
Với số lượng trường, lớp tăng tiến nhanh chóng, phân bổ khắp địa bàn từ miền xuôi đến miền ngược và các khoa thi mở liên tục, triều Nguyễn giai đoạn độc lập tự chủ đã tạo ra nguồn nhân lực dồi dào dùng cho bộ máy công quyền.