Đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền (Đại học Newcastle, Australia) về việc loại tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong dư luận.
'Chí Phèo có thể tác động tiêu cực đến nhận thức của người học'
Anh Sóng Hiền cho rằng, ở góc độ giáo dục, truyện ngắn Chí Phèo có thể tác động tiêu cực đến nhận thức của học sinh đang ở tuổi chưa hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội. Trẻ vị thành niên có sự phát triển tâm lý khá phức tạp, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi nên dễ bị tiêm nhiễm cái xấu.
Trong khi đó, tác phẩm Chí Phèo kể về "con quỷ của làng Vũ Đại" suốt ngày chỉ biết uống rượu, rạch mặt ăn vạ, xin đểu, đốt quán, thậm chí cưỡng hiếp (với Thị Nở), giết người (Bá Kiến)... nhưng vẫn được cho rằng đáng thương, đáng cảm thông vì xuất phát là nông dân hiền lành, bị xã hội phong kiến lưu manh hóa.
"Việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hóa nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá. Nhưng xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội", anh Hiền phân tích.
Nghiên cứu sinh ngành giáo dục và nghệ thuật đồng thời chỉ ra việc Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở là hành vi phạm pháp, đáng lên án, nhưng lại được nhiều nhà phê bình, học giả xem đó là sự thức tỉnh của tính thiện trong con người Chí.
"Chúng ta đâu dám chắc được rằng các giáo viên liệu có đủ thời gian để truyền tải hết giá trị nhân văn của tác phẩm khi chính tác phẩm đó không được dạy trong một chỉnh thể đầy đủ (bản in trong sách giáo khoa hiện đã lược đoạn viết về cảnh ân ái của Chí Phèo với Thị Nở). Cũng đâu ai dám chắc được rằng tất cả học sinh có thể nhận thức được cái hay của tác phẩm, hay chỉ nhìn vào những cái xấu của nhân vật Chí để bắt chước", anh Hiền nói.
Anh Hiền quan niệm, giáo dục phải hướng tới hạn chế tối thiểu những mặt trái, tác động tiêu cực đối với trẻ em. Do đó, khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung hay chương trình nào vào giảng dạy, nhà quản lý, giáo viên cần nhìn thấu đáo, toàn diện, xem nó lợi ích hay tác hại và phù hợp như thế nào với yêu cầu của thực tế cuộc sống. "Đừng bao giờ vì giá trị hàn lâm của kiến thức mà bỏ quên và xem nhẹ những giá trị giáo dục đối với học sinh", anh Hiền nói.
Cảm thụ văn chương không thể theo kiểu xã hội học dung tục thế kỷ trước
Ts văn học Trịnh Thu Tuyết. |
Trái ngược với quan điểm của tác giả đề xuất, phần đông ý kiến tranh luận của giới chuyên gia, giáo viên Ngữ văn và học sinh lại cho rằng nên giữ tác phẩm Chí Phèo. Tiến sĩ văn học Trịnh Thu Tuyết phản biện, khi đọc và cảm thụ văn học phải đặt nó vào tác phẩm, bối cảnh lịch sử chứ không thể nhìn theo kiểu "xã hội học dung tục từ thế kỷ trước". Nhân vật Chí Phèo ban đầu đến với Thị Nở bằng bản năng của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách du côn của một kẻ lưu manh. Tuy nhiên, sau đó tình thương yêu mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần "người", phần lương thiện vẫn còn sót lại đâu đó trong "con quỷ của làng Vũ Đại". Chí đã biết nói lời yêu thương thay vì chỉ chửi đổng và có ý thức sâu sắc về sự cô độc, những điều hắn đã bị tước đoạt, về con đường hoàn lương...
Sau khi Thị Nở bỏ đi, Chí mới lôi rượu ra uống, nhưng càng uống càng tỉnh và càng đau đớn cho bi kịch cuộc đời mình. Chí cầm dao đi định trả thù cô cháu Thị Nở nhưng vô thức lại đi thẳng tới nhà Bá Kiến. "Có thể thấy, Chí Phèo đã làm theo sự mách bảo sâu xa trong tiềm thức, đó là nỗi căm hờn với kẻ thù độc ác nhất trong cuộc đời mình. Không ai cổ súy cho hành động này, nhưng cũng không ai cho rằng đó chỉ là hành vi của kẻ côn đồ say rượu", TS Tuyết phân tích.
Bà cho rằng, cách nhìn nhận của Sóng Hiền không liên quan đến văn chương và lệch lạc. Với giá trị một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định, truyện ngắn Chí Phèo "luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó".
Là học sinh lớp 12 THPT Việt Đức (Hà Nội), Kiều Đức Mạnh cho biết không bị tác động tiêu cực nào khi học tác phẩm Chí Phèo trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Ngược lại, em học được nhiều điều từ nỗi thống khổ của người nông dân trong xã hội phong kiến bị cường quyền áp bức, như nhân vật Chí với nỗi khổ không được làm người.
"Em biết xã hội ngày trước có những cái xấu như thế nào và cảm thấy may mắn, trân trọng hơn cuộc sống tự do, dân chủ mình đang được hưởng thụ. Tác phẩm cũng gợi thêm những điều trắc ẩn trong em, khiến em cảm nhận về cái tốt, cái xấu toàn diện hơn, không giản đơn như ngày trước", Mạnh nói.
Một học sinh ở tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, được giáo viên truyền tải rất rõ giá trị nhân văn của truyện ngắn Chí Phèo. Đây là một trong số ít tác phẩm văn học được nam sinh theo ban tự nhiên này nhớ kỹ.
Trong chương trình Ngữ văn mới, Chí Phèo là tác phẩm không bắt buộc Chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới - PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết, trong dự thảo chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành và chuẩn bị đưa lên mạng xin ý kiến có 6 tác phẩm được yêu cầu học bắt buộc. Truyện ngắn Chí Phèo cùng tất cả tác phẩm còn lại được nêu trong một danh mục gợi ý, giúp giáo viên hình dung ra đề tài, kiểu loại văn bản và mức độ khó theo từng lớp, nhóm lớp; không bắt buộc. |