Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.

Một chú voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. Ảnh: Như Mai
Bán đảo có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km. Được che phủ bởi thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới, Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao và là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu - với số lượng 300-400 con.
Voọc chà vá chân nâu là loài sinh vật chỉ thị môi trường và là nguồn gen quý hiếm. Sơn Trà đang ghi nhận quần thể chà vá chân nâu lớn nhất thế giới trong tự nhiên. Loài động vật này có nhiều màu sắc nhất (5 màu) trong các loài khỉ ăn lá. Chúng được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là "nữ hoàng của các loài linh trưởng" chính nhờ vẻ đẹp khác thường.
Với những giá trị sinh học, Đà Nẵng đã chọn voọc chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra vào tháng 11 tới.