Sáng 30/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và dự lễ khai giảng năm học 2018-2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng tham dự có ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Biểu dương thành tựu các thế hệ giảng viên, cán bộ, sinh viên Học viện đạt được hơn 60 năm qua, khẳng định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Tổng bí thư đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt sáu việc.
Việc đầu tiên, theo Tổng bí thư là Học viện cần tích cực đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ngày nay không những có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện...
Thứ hai, Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin. Nhà trường phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội.
Việc thứ ba, Tổng bí thư cho rằng nhà trường cần tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo. Các thầy, cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo.
Thứ tư, Học viên cần đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ. Sắp tới, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là tự chủ đại học. Tinh thần chung là các trường phải được tự chủ hơn về học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính.
"Nhà trường cần phấn đấu nhanh chóng trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Các công trình nghiên cứu phải hướng tới "tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh)", Tổng bí thư nói về việc thứ năm của Học viện.
Cuối cùng, Tổng bí thư cho rằng cần gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương. Trường đóng trên địa bàn nào thì cần có những hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó. Ngược lại, chính quyền cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường trên địa bàn phát triển.
Trong diễn văn khai giảng trước đó, giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu rõ trong suốt hơn 60 năm qua, Học viện đã lớn mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng; đào tạo cho đất nước hàng trăm nghìn cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, hàng trăm nghìn thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ.
Học viện hiện có gần 1.400 cán bộ với hơn 800 đảng viên, 11 giáo sư, gần 400 tiến sĩ, đang đào tạo hơn 30.000 sinh viên và khoảng 500 sinh viên quốc tế. Nhiều công trình khoa học, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật do các thế hệ thầy và trò Học viện sáng tạo ra đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Năm học 2017-2018 vừa qua, Học viện có 4 giống cây trồng được công nhận quốc gia, 2 giống cây trồng được đưa vào sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa 4 giống lúa, 2 giống ngô và nhiều giải pháp hữu ích khác; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ 4 sản phẩm khoa học công nghệ...
Theo TTXVN