Là một trong những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của Đại học Quy Nhơn (Bình Định), PGS Nguyễn Sum quyết định gắn bó với ngôi trường ở thành phố biển này. Đầu năm 2005, ông chính thức nghiên cứu bài toán hit được nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm. Ngoài thời gian giảng dạy, ông chỉ tập trung nghiên cứu bài toán này.
Năm 2010, ông công bố bài báo đầu tiên về bài toán hit trên tạp chí Toán học hàng đầu thế giới Advances in Mathematics. Trong bài báo dài 26 trang, ông phủ nhận giả thuyết Kameko, ra đời từ năm 1990. Giả thuyết này đưa ra một cận trên chính xác cho số phần tử sinh của đại số đa thức xem như một mô đun trên đại số Steenrod. Giả thuyết Kameko luôn chiếm được niềm tin gần như tuyệt đối của các chuyên gia trong Tôpô đại số cho đến khi ông Sum công bố bài báo.
Năm 2015, ông Sum có bài báo thứ hai trên tạp chí Advances in Mathematics. Lần này, ông giải quyết trọn vẹn bài toán hit cho đại số đa thức bốn biến, trên cở sở một công thức truy toán cho số phần tử sinh của đại số đa thức, phụ thuộc vào biến của đại số ấy, xem như một mô đun trên đại số Steenrod. Bản thảo công trình rất công phu với 240 trang, được ông Sum hoàn thành từ năm 2007. “Bản thảo này có vai trò quan trọng về chi tiết”, ông Sum nhấn mạnh. Tuy nhiên, không thể đưa một bài báo dài như vậy lên một tạp chí quốc tế uy tín.
Giảng viên của Đại học Quy Nhơn không đầu hàng trước khó khăn. Trên cơ sở hiểu biết mới do sự phủ nhận giả thuyết Kameko đem lại, ông Sum đã thu gọn công trình còn 58 trang để được đồng ý in ra. Phần bản thảo 240 trang được đăng tải online như một phần gắn liền với công trình được công bố chính thức. “Tôi rất vui khi công trình nhận được 26 trích dẫn, trong đó nhiều trích dẫn trên các bài báo của chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành Tôpô đại số”, ông Sum chia sẻ.
Chính bài báo dài 58 trang được công bố năm 2015 này đã giúp ông Sum giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Theo giáo sư toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng, nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực Tôpô đại số như Haynes Miller của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), hay William Singer của Đại học Fordham (Mỹ) khi được Hội đồng giải thưởng tham vấn, đều ủng hộ mạnh mẽ việc trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho ông Nguyễn Sum.
Chia sẻ về khó khăn trong suốt 10 năm nghiên cứu bài toán hit, PGS Sum cho biết trước năm 2009, ông phải tham gia công tác quản lý trường. Với cương vị phó hiệu trưởng với nhiều công việc hành chính, ông hầu như phải thực hiện nghiên cứu ngoài giờ. Sau đó, dù được thuyết phục giữ chức hiệu trưởng, ông từ chối để tập trung nghiên cứu khoa học.
Ông may mắn có vợ cũng là giảng viên toán học nên hiểu và luôn ủng hộ chồng. “Không phải lo lắng về công việc gia đình vì có vợ chăm nom tất cả, tôi có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Tôi biết ơn vì điều đó”, ông Sum bày tỏ.
"Dùng đầu để đập vỡ đá"
Khác với một số nhà khoa học, nhà toán học sinh năm 1961 này chỉ tập trung nghiên cứu một công trình trong nhiều năm và coi đó là cách tốt nhất. “Tôi học được cách nghiên cứu này từ hai người thầy hướng dẫn làm luận án tiến sĩ là giáo sư toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng và Huỳnh Mùi. Họ dạy tôi làm toán là dùng đầu để đập vỡ đá. Mỗi công trình công bố phải đập vỡ một mảnh đá nào đó. Cả sự nghiệp chỉ cần công bố một số ít công trình nhưng chất lượng phải cao”, ông Sum nói.
Theo ông, người làm nghiên cứu khoa học phải thực sự tĩnh tâm, sẵn sàng học hỏi, kiên trì và không ngại khó. “Tôi luôn cố gắng đạt được những điều đó trong quá trình nghiên cứu và nếu được khuyên thế hệ trẻ, những người thích nghiên cứu khoa học, tôi cũng sẽ nói với họ như vậy”, ông Sum khẳng định.
Nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu, ông Sum cho rằng đó không chỉ là vinh dự lớn cho cá nhân ông mà còn là sự động viên, khích lệ đối với các giảng viên của Đại học Quy Nhơn trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần giúp địa phương này trở thành một trung tâm khoa học lớn của cả nước.
Nói về dự định, ông Sum cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi bài toán hit của Peterson với định hướng ứng dụng cao hơn. “Bài toán hit của Peterson rất quan trọng trong Tôpô đại số, còn phải giải quyết lâu dài. Kết quả đạt được là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo của tôi”, ông Sum nói.
Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM). Hai tiến sĩ có công trình được Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cùng Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu đánh giá cao. PGS.TS Nguyễn Sum đem đến giải thưởng công trình "Về bài toán hit của Peterson" (On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432-489). Công trình thuộc lĩnh vực Toán học được nhận xét xuất sắc khi giải quyết được trường hợp đặc biệt của giả thuyết "hit" do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm. Công trình được thực hiện hoàn toàn trong nước bởi một tác giả duy nhất là nhà toán học Nguyễn Sum. |
Thanh Tâm