Ngày 29/12, trên diễn đàn dành cho sinh viên Đại học Y Hà Nội với hơn 10.000 thành viên, nhiều người chia sẻ bức xúc khi nhận được thông báo lấy ý kiến cho Dự thảo chế độ ưu tiên cộng điểm đối với sinh viên dự thi tuyển bác sĩ nội trú của Phòng Công tác sinh viên.
Theo dự thảo này, những sinh viên giữ chức vụ trong ban cán sự lớp, ban chấp hành Đoàn, hội, câu lạc bộ; sinh viên có thành tích trong công tác Đoàn, hội được cộng điểm ưu tiên khi thi bác sĩ nội trú. Tùy theo vị trí và số năm tham gia, mức cộng dao động từ 0,1 đến 1 điểm.
Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên có thời gian công tác 4-6 năm và sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương sẽ được cộng điểm ưu tiên mức cao nhất (1 điểm). Tổ phó tổ sinh viên, chi ủy chi bộ hay sinh viên công tác Đoàn, hội với thời gian tham gia dưới hai năm được cộng mức tối thiểu là 0,1 điểm.
Ngay sau khi thông báo rộng rãi, dự thảo khiến nhiều sinh viên bức xúc. "Tôi không bao giờ đồng ý", một sinh viên năm cuối nói và cho rằng thi nội trú là kỳ thi tuyển chọn những người đáp ứng được yêu cầu của các chuyên ngành y khoa, tìm người có trình độ, kiến thức chứ không phải người chăm tham gia hoạt động ngoại khóa. Kỳ thi bác sĩ nội trú của các trường Y khoa trên thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh hay Australia không bao giờ cộng điểm ưu tiên.
Không phủ nhận sự vất vả và hy sinh thời gian của các cán bộ lớp và sinh viên tham gia hoạt động Đoàn, hội, nhưng nam sinh khẳng định họ đã được nhận đãi ngộ trong quá trình học tập như cộng điểm rèn luyện, ưu tiên cấp học bổng. "Nếu như chưa thấy tương xứng, đề nghị nhà trường có những đãi ngộ khác như cộng điểm tốt nghiệp chứ không phải tuyển sinh bác sĩ nội trú", nam sinh đề xuất và nhận được sự đồng tình của nhiều sinh viên trong trường.
Một nữ sinh khác cho rằng kỳ thi bác sĩ nội trú khốc liệt và công bằng nhất ở trường Y. "Hơn nhau 0,01 điểm đã cách nhau cả chục bậc, quyết định đỗ hay trượt, vào được ngành mong muốn hay không" nên việc cộng điểm ưu tiên đến 1 điểm là vô lý, làm mất tính chất của kỳ thi và khiến sinh viên nản và không muốn tham gia kỳ thi này.
Sinh viên này nhận định việc cộng điểm ưu tiên sẽ quá đột ngột nếu được áp dụng với sinh viên năm thứ 5 và năm thứ 6, đồng thời tạo ra cuộc ganh đua, tranh giành giữ chức vụ trong lớp, Đoàn, hội đối với sinh viên mới vào trường, ảnh hưởng đến việc học và mất đi tính chất tự nguyện trong công tác Đoàn, hội.
Nhiều ý kiến khác cho rằng cộng điểm thi bác sĩ nội trú sẽ là tiền đề dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình học tập và thi cử. Một số khác cho rằng nếu có ưu tiên, mức điểm tối đa chỉ nên dừng ở 0,1.
Thầy Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, khẳng định đây mới là dự thảo của một phòng ban và rất cần sự đóng góp ý kiến từ tất cả sinh viên trong trường. "Rất nhiều sinh viên hỏi tôi về vấn đề này. Đây là việc quan trọng, nhà trường còn phải cân nhắc rất kỹ, nếu có thì nội dung và thời gian áp dụng ra sao chứ chưa thể làm ngay được", thầy Tú nói.
Dự thảo của Phòng Công tác sinh viên, Đại học Y Hà Nội đã được Ban chấp hành Đoàn thanh niên, hội sinh viên đóng góp ý kiến từ ngày 18 đến 26/12/2017 và tiếp tục lấy ý kiến toàn thể sinh viên trong trường đến ngày 11/1/2018.
Bác sĩ nội trú là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế nhằm đào tạo nhân tài trẻ, bác sĩ chuyên khoa có kiến thức khoa học cơ bản vững, kiến thức chuyên ngành hệ thống, kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo. Đối tượng bao gồm các bác sĩ mới tốt nghiệp hệ chính quy các chuyên ngành y ở một đại học y, y - dược hoặc các cơ sở đào tạo khác của Việt Nam, có nguyện vọng học bác sĩ nội trú, tự nguyện làm đơn xin thi và chỉ được dự thi một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Người nước ngoài muốn học phải có đủ điều kiện do Bộ Y tế quy định và phải được Bộ Ngoại giao giới thiệu. Năm 2017, người dự thi bác sĩ nội trú phải thi bốn môn, trong đó có hai môn chuyên ngành, một môn cơ sở và ngoại ngữ. |