Trong thời kỳ hội nhập, sinh viên thường có mong muốn trải nghiệm thực tập tại nước ngoài để phát triển kỹ năng, nâng cao chuyên môn, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, mở rộng hiểu biết về nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các cơ hội thực tập tại nước ngoài không dễ và khá cạnh tranh. Sinh viên cần kiên trì, ngoại ngữ tốt, vượt qua quy trình tuyển dụng gắt gao như nộp hồ sơ, làm bài kiểm tra và phỏng vấn.
Nguyễn Mỹ Linh (cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội) từng thực tập tại phòng Sales và Marketing ở Công ty Khởi nghiệp về Phần mềm quản lý khách hàng ở Nhật Bản. Nữ sinh cho biết: "Tôi từng phải trải qua gần 6 tháng ứng tuyển. Đầu tiên là nộp hồ sơ qua website của tổ chức AIESEC theo chương trình Global Talent (Nhân tài toàn cầu). Tiếp đến là phỏng vấn lần lượt với AIESEC ở Đại học Ngoại thương Hà Nội, AIESEC Nhật Bản và cuối cùng là công ty".
Không gặp nhiều khó khăn như Mỹ Linh, Nguyễn Việt Dũng, học viên Thạc sĩ ngành Năng lượng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) được chính các giảng viên của trường giới thiệu và hỗ trợ nhiều trong việc tìm nơi thực tập. Hiện anh thực tập tại phòng thí nghiệm G2ELab của Học viện Bách Khoa Grenoble (Grenoble INP) - nơi được coi là thủ đô ngành Điện của Pháp.
"Trong thời gian thực tập, tôi không chỉ học hỏi các kỹ năng nghiên cứu, phong cách làm việc nghiêm túc mà còn được tiếp xúc với nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, đồng nghiệp đi trước và lắng nghe quan điểm thực tế của họ về các vấn đề mà trong lúc học tôi chỉ biết trên lý thuyết", Dũng kể.
Nam sinh cho rằng chính chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cùng cơ hội tham gia dự án nghiên cứu và hội thảo khoa học, seminar chuyên đề với giảng viên quốc tế đã giúp anh có cái nhìn tổng quan về các nghiên cứu và dự án khoa học của thế giới. Đây đồng thời là dịp để anh vượt qua rào cản ngôn ngữ, từ đó bắt nhịp nhanh với môi trường làm việc bên Pháp.
Đồng quan điểm với Dũng, Nguyễn Tùng Lâm, cựu học viên ngành Vũ trụ hệ Thạc sĩ, từng thực tập tại Đài Thiên Văn Paris Meudon chia sẻ, tại Pháp, sự chủ động, tinh thần học hỏi và trao đổi ý kiến được đánh giá cao trong công việc. Lâm thấy may mắn vì môi trường học tập tại USTH có nhiều điểm tương đồng, nên anh dễ dàng hòa nhập và thích nghi. Bên cạnh đó, anh còn được nhận hỗ trợ vé máy bay hai chiều và lương hàng tháng từ Đài Thiên Văn Paris, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt mà không cần giúp đỡ tài chính từ gia đình.
Ngoài ra, trong quá trình thực tập, Lâm đã tìm thấy định hướng nghiên cứu và ứng tuyển thành công, trở thành nghiên cứu sinh cũng tại Đài Thiên văn Paris cuối năm 2017.
GS. Patrick Boiron, Hiệu trưởng trường đại học USTH cho biết: "Thực tập nước ngoài là một trải nghiệm hữu ích với sinh viên trước khi tốt nghiệp nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Ngoài thử thách bản thân trong môi trường làm việc quốc tế và nâng cao hiểu biết chuyên môn, sinh viên sẽ có cơ hội mở rộng mối quan hệ với cộng đồng học thuật thế giới, từ đó tiếp cận với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp phong phú".
Chia sẻ về việc xin thực tập nước ngoài của sinh viên, GS. Patrick Boiron nói, USTH là có mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp và được hỗ trợ Liên minh đào tạo gồm hơn 40 trường đại học và nghiên cứu của Pháp. Hàng năm trường đón một số lượng lớn giảng viên nước ngoài sang giảng dạy. Tất cả đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín tại Pháp như Đại học Lyon một, Đại học Toulouse, Đại học Montpellier… hay các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Đây chính là nguồn giới thiệu và nhận thực tập lớn của trường.
"Hơn nữa, việc chương trình giảng dạy của trường đã được công nhận đạt chuẩn bởi tổ chức kiểm định uy tín Châu Âu HCERES góp phần khiến hồ sơ xin thực tập tại nước ngoài của sinh viên được đánh giá cao và dễ chấp thuận hơn", giáo sư Patrick cho biết.
Thế Đan
Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là trường đại học công lập quốc tế được thành lập theo Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Hàng năm trường mời khoảng 200 lượt giảng viên nước ngoài từ nhiều quốc gia khác nhau, là nguồn giới thiệu và nhận sinh viên thực tập lớn. Trung bình 60% sinh viên năm cuối hệ Đại học và 80% học viên năm hai hệ Thạc sĩ đi thực tập nước ngoài, trong đó hàng năm có 10% sinh viên được học bổng thực tập toàn phần tại Pháp. Thực tập sinh có cơ hội nhận các khoản hỗ trợ tài chính hoặc trả lương