Tại buổi Đối thoại học đường giữa Ban giám hiệu THPT Nguyễn Du và hơn 500 phụ huynh chiều 10/3, bà Võ Thị Thu Hương (phụ huynh lớp 10A6) cho biết, bà tình cờ thấy tin nhắn Facebook của con trai với nhóm bạn có rất nhiều lời chửi tục, trong đó có không ít bạn là nữ sinh.
Bà bày tỏ lo lắng vì các em đang ở tuổi mới lớn, đang dần định hình nhân cách nhưng đã nhiễm "thói hư tật xấu".
"Chưa kể, trong lớp các em sử dụng điện thoại để nhắn tin rất nhiều. Có đứa còn dùng để chơi bài, chơi game. Nhà trường có cách nào chấm dứt tình trạng này không?", bà Hương chất vấn.
Quan sát chương trình vui chơi Halloween được tổ chức tại sân trường cuối năm ngoái, bà khá bất ngờ khi học sinh về thì nơi này ngập rác. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học cũng có ý kiến than phiền rằng học sinh bây giờ bê bối, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung khi hộc bàn có rất nhiều rác.
Có ba con trai từng học tại trường THPT Nguyễn Du, bà Phạm Thị Ngọc Hương khen ngợi sự thay đổi của trường trong phương pháp giảng dạy và bồi dưỡng văn hóa cho học sinh. Tuy nhiên, bà tỏ ra lo lắng khi thấy nhiều học sinh nói tục, chửi thề ở ngoài trường.
"Trong trường thì các cháu không dám đâu, nhưng mới chạy ra khỏi trường là bắt đầu nói tục", bà Hương nói và muốn trường có biện pháp răn đe, giáo dục kịp thời.
Trong khi đó, nữ hội trưởng phụ huynh một lớp 11 than phiền rằng, học trò rất bức xúc vì bị cấm ngồi trong lớp có máy lạnh sau giờ học, nhà vệ sinh không sạch sẽ. Ngoài ra, học sinh của lớp cũng không hài lòng với phương pháp giảng dạy của giáo viên dạy Văn. "Các em nói cô dạy quá dài, nhiều khi bốn tiết vẫn chưa xong một bài. Trong tiết dạy thì có nhiều nội dung không liên quan đến bài học", bà mẹ này ý kiến.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh học sinh lớp 12 chia sẻ lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới với kỳ vọng con mình sẽ được vào các đại học, cao đẳng tốt. Họ đề nghị trường tổ chức ôn tập, kèm cặp học sinh yếu kém. Phụ huynh cũng muốn nhà trường chú ý giáo dục giới tính, tham vấn tâm lý học đường cho học sinh.
Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú giải đáp từng vấn đề và hứa sẽ khắc phục những bức xúc của học sinh. Ông Phú cho biết, trong năm nay tiếp tục tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý, những tấm gương sáng để trau đồi vốn sống, văn hóa cho học sinh.
"Chúng tôi cũng trăn trở trước việc các em còn xả rác, chửi thề. Không ai dạy học trò điều đó cả, kể cả cha mẹ lẫn thầy cô. Các em đã bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh", ông Phú nói và cho rằng cả nhà trường và gia đình phải có trách nhiệm trong việc giáo dục này.
Về phản ánh không cho học sinh ở lại lớp sau giờ học, ông Phú cho đây là biện pháp để bảo vệ sức khỏe các em.
"Chúng tôi đã tham khảo chuyên gia sức khỏe và biết rằng nếu các em thường xuyên ngồi máy lạnh sẽ không tốt, có thể gây ra một số bệnh. Chưa kể, trong nhiều trường hợp trước đây, giám thị đã phát hiện nhiều em ở lại lớp với mục đích 'không trong sáng'. Điều này không hay một chút nào", ông Phú nói và mong nhận được sự thông cảm từ phụ huynh.
Đối thoại học đường là chương trình được trường THPT Nguyễn Du tổ chức hằng năm để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh.