Sau lễ trao giải Kovalevskaia năm 2017 tổ chức ngày 6/3 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số nhà khoa học nữ đã giao lưu với các nữ sinh đến từ nhiều trường đại học ở Hà Nội.
Trước câu hỏi về những điều cần chuẩn bị để có thể theo đuổi đam mê khoa học, khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ ba thứ quan trọng cần ghi nhớ.
"Đầu tiên là phải chịu khó. Tiếp đến là dám nghĩ dám làm. Các bạn phải thật sáng tạo, vượt ra khỏi khuôn khổ, đừng tự giới hạn suy nghĩ của mình. Cuối cùng là phải thực sự sẵn sàng đón nhận và chấp nhận thất bại", ông Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, dù là khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đều cần tăng cường tiềm lực công nghệ, cần nhiều nhà khoa học với phát minh, sáng chế, phương án hiệu quả được ứng dụng vào cuộc sống. Vì vậy, nhà nước cần cả nhà khoa học nam và nữ.
Ông Đam nhận định hiện có nhiều chính trị gia, nhà khoa học nữ làm thay đổi đất nước và thế giới. "Nếu tra những phụ nữ quyền lực nhất về công nghệ thông tin, các bạn sẽ thấy hầu hết tên tuổi khổng lồ về lĩnh vực này như Facebook, Google, Yahoo... đều có những nhà lãnh đạo nữ", ông Đam lấy ví dụ.
Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phụ nữ thành công rất nhiều. Phó thủ tướng nhắc tới Thủy "muối", người được báo chí thế giới mệnh danh là "nữ hoàng khởi nghiệp". Bị ung thư nhưng chị đã rất thành công với quan điểm "sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng". Hay nữ CEO trẻ của công ty Rudicaf với ứng dụng dành cho những người muốn hẹn hò.
"Hãy chịu khó, dám nghĩ dám làm những điều khác biệt, đặc biệt là những bạn muốn dấn thân khởi nghiệp", ông Đam dành lời khuyên cho nữ sinh.
Nhà trường phải là môi trường tốt nhất, đảm bảo công bằng cho sinh viên
Bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ năm bài học lớn trong sự nghiệp của mình. Thứ nhất là phải có quyết tâm, ý chí vươn lên mạnh mẽ; thứ hai phải mạnh dạn, đặc biệt trong việc trình bày quan điểm; thứ ba không giấu dốt; thứ tư phải chân thành trong phấn đấu, học tập; và cuối cùng là biết chia sẻ để cùng tiến.
"Những bài học ngắn gọn đó chung quy lại đều bắt nguồn từ việc học. Vì vậy, học, học suốt đời là chìa khóa của thành công. Sinh viên ngày nay phải tạo và chớp cơ hội để học. Chỉ có học mới phát triển được", nguyên Phó chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh sự cố gắng của sinh viên, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận định nhà trường phải là môi trường tốt nhất, nơi chắp cánh thành công cho sinh viên. Với nữ giảng viên và nữ sinh viên, nhà trường cần đánh giá đúng và công bằng, đảm bảo không có rào cản nào ảnh hưởng đến sự thăng tiến của họ.
Theo bà Doan, dù các nhà trường đang có nhiều đổi mới, đội ngũ giáo viên vẫn phải giỏi, tận tâm, tận lực và hết lòng vì sinh viên, phải coi sinh viên là bạn, là đối tác trong quá trình giảng dạy. "Điều này không phải trường nào cũng làm được", bà Doan khẳng định.
Nguyên Phó chủ tịch nước nhấn mạnh nhà trường cần có định hướng ngành nghề đúng cho sinh viên. "Tôi đã được nhà trường định hướng rất tốt từ thời sinh viên. Các thầy thấy tôi có khả năng ăn nói lưu loát nên trong bất cứ sự kiện nào có sinh hoạt chung, nhà trường đều cử tôi lên phát biểu", bà Doan nói và cho rằng khi định hướng đúng, việc giảng dạy, học tập phải theo đúng định hướng đó.
Về trang thiết bị của trường học, các trường thuộc khối khoa học tự nhiên phải có phòng thí nghiệm tốt để tránh tình trạng học sinh đi thi quốc tế làm được 100% lý thuyết nhưng bỡ ngỡ ở phần thực hành.
Bà Nguyễn Thị Doan khẳng định nếu kết hợp được những yếu tố trên, Việt Nam sẽ có đội ngũ tri thức đầy tiềm năng, trí tuệ để phục vụ đất nước trong thời kỳ đổi mới.