Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực. Vậy hướng tiếp cận này có gì ưu việt và liệu có đáp ứng được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam như Nghị quyết 29 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra?
Nguồn gốc giáo dục dựa trên năng lực
Giáo dục dựa trên năng lực (Competency based education) xuất hiện đầu tiên ở Mỹ. Đạo luật Nông nghiệp Morrill Land 1862 cung cấp nền tảng đầu tiên cho khái niệm nền giáo dục ứng dụng dựa trên nhu cầu của các nông trại và nông dân, những người không thể theo học đại học và cao đẳng danh tiếng của miền Đông nước Mỹ. Khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra, việc sản xuất nông trại được máy móc hóa dẫn đến việc xây dựng các trường cao đẳng nông nghiệp ở vùng nông thôn, cung cấp cơ hội đào tạo nghề cho nông dân tương lai, trợ giúp cho các hoạt động và quản lý nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của Mỹ.
Các chương trình giảng dạy nhấn mạnh vào đào tạo hơn là dạy và học theo lối truyền thống. Mục tiêu là hướng tới đánh giá việc khả năng vận dụng kiến thức được học của học sinh vào các tình huống công việc thực tế. Mô hình giáo dục này phát triển mạnh mẽ vào những năm 70 ở Mỹ và sau đó lan rộng ra quốc gia khác. Tuy nhiên, mô hình này đầu tiên chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trong những thập niên gần đây, các nền giáo dục tiến bộ đã đưa mô hình này vào áp dụng trong giáo dục phổ thông và đại học.
Năng lực là gì?
Theo cách hiểu thông thường, năng lực là sự kết hợp của tư duy, kỹ năng và thái độ có sẵn hoặc ở dạng tiềm năng có thể học hỏi được của một cá nhân hay tổ chức. Các nhà tâm lý học cho rằng năng lực là tổng hợp đặc điểm thuộc tính tâm lý của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó hiệu quả cao. Khái quát lại năng lực có thể hiểu là sự kết hợp của các khả năng, kỹ năng, phẩm chất, thái độ và hành vi của một cá nhân hay tập thể để thực hiện một công việc có hiệu quả.
Giáo dục dựa trên năng lực được xây dựng dựa trên nhiều lý thuyết, như thuyết hành vi (behaviourists), thuyết chức năng (functionalist), hay thuyết nhân văn (humanist). Nó là sự kết hợp giữa giáo dục khai phóng (liberal education) và giáo dục nghề nghiệp. Nó nhấn mạnh việc áp dụng lý thuyết vào thực tế cuộc sống và lấy người học làm trung tâm (student centred approach) làm khái niệm nền tảng cho giáo dục dựa trên năng lực.
Giáo dục dựa trên năng lực là gì?
Gervais (2016) đã đưa ra một định nghĩa về giáo dục dựa trên năng lực như sau: “Giáo dục dựa trên năng lực được định nghĩa như là một hướng tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra của người học (outcome - based education), kết hợp chặt chẽ giữa các phương thức giảng dạy và hình thức đánh giá được thiết kế nhằm đánh giá việc học của học sinh thông qua việc thể hiện kiến thức, thái độ, giá trị, kỹ năng và hành vi của chúng đối với yêu cầu đề ra ở mỗi trình độ”.
Harris et al (1995) cho rằng giáo dục dựa trên năng lực phát huy tối đa năng lực riêng của mỗi học sinh, giúp học sinh tự tìm tòi, khám phá tri thức dựa trên sở thích và mối quan tâm riêng của chúng, giúp học sinh làm chủ tri thức và vận dụng nó vào thực tế cuộc sống. Giáo dục dựa trên năng lực thúc đẩy tư duy sáng tạo, phản biện và khả năng giải quyết vấn đề. Nó nhấn mạnh đến các tình huống thực tế cuộc sống và thông qua giải quyết các tình huống đó học sinh có thể rút ra kinh nghiệm và tri thức cho riêng mình từ những tình huống đó.
Các yếu tố của giáo dục dựa trên năng lực là gì?
Mô hình giáo dục dựa trên năng lực nhấn mạnh đến kết quả đầu ra của người học. Một người học được đánh giá đạt yêu hoàn thành môn học, chương trình, khóa học hay một cấp độ khi chứng tỏ được việc nắm bắt và ứng dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị và hành vi dựa trên các tiêu chí năng lực được đề ra. Tuy nhiên, chúng ta phải phân định rõ, kết quả đầu ra của giáo dục dựa trên năng lực khác với giáo dục dựa trên nội dung.
Đầu ra của giáo dục dựa trên năng lực được thể hiện ở thì hiện tại, tức là dựa trên những gì người học làm được ngay sau khi kết thúc chương trình học. Trong khi đó giáo dục bám vào nội dung lại thể hiện ở thì tương lai, tức là khả năng người học sẽ làm được trong tương lai.
Nó nhấn mạnh đến đầu ra khả năng thực tế của học sinh thay vì khả năng được mong đợi trong tương lai. Nó cũng công nhận rằng khả năng học, mức độ nhận thức của mỗi học sinh là khác nhau vì vậy giáo dục dựa trên năng lực phải tập trung vào phát triển khả năng riêng của mỗi người học, chú ý tới phong cách học và mức độ tiếp thu khác nhau của mỗi người.
Dạy và học dựa trên năng lực như thế nào?
Trong giáo dục dựa trên năng lực, giáo viên giữ vai trò hướng dẫn và thiết kế nội dung giảng dạy, còn học sinh phải tự xây dựng kiến thức và hiểu biết riêng của chúng thông qua khả năng tìm tòi, khám phá, sáng tạo, kiểm tra và quan sát. Vì vậy, môi trường giáo dục cũng phải được tạo ra tương hợp để thúc đẩy và tạo điều kiện cho học sinh hiện thực hóa năng lực của chúng.
Tổ chức dạy học phải linh hoạt và đa dạng thay vì lối dạy truyền thống thầy giảng trò nghe nên hướng tiếp cận dạy dựa trên năng lực có thể tổ chức học theo nhóm (group based learning), học theo cá nhân hóa (individualized based learning), tự học (self directed learning), học sinh học theo sở thích và mối quan tâm riêng của chúng…
Giảng dạy dựa trên năng lực khuyến khích việc ứng dụng công nghệ, công cụ dạy học nhằm tối ưu hóa việc phát huy năng lực của người học. Hướng tiếp cận nội dung nhấn mạnh đến vai trò của phương pháp dạy học thì hướng tiếp cận năng lực quan tâm đến cách học, yếu tố tự học của người học.
Đánh giá trong giáo dục dựa trên năng lực
Theo Gervais (2016), đánh giá trong chương trình giáo dục dựa trên năng lực giữ vai trò quan trọng. Việc đánh giá sẽ cung cấp cho học sinh biết mức độ đạt được kiến thức và năng lực của chúng cũng như năng lực giảng dạy của giáo viên, từ đó xác định được nhu cầu của người học và có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý. Đánh giá phải dựa trên mức độ năng lực đạt được của học sinh chứ không để so sánh giữa em này với em khác. Vì vậy sẽ không tồn tại việc xếp loại trong mô hình giáo dục dựa trên năng lực mà chỉ dựa trên đánh giá mức độ học sinh đó đạt được.
Việc đánh giá học sinh trong giáo dục dựa trên năng lực phục vụ cho nhiều mục đích, không chỉ đơn thuần để phục vụ cho khen thưởng hay lên lớp. Việc đánh giá trước và sau chương trình học của mỗi học sinh giúp giáo viên nắm rõ được các nhu cầu cũng như mức độ năng lực của người học. Nó sẽ cho biết nhu cầu học tập cụ thể, khả năng học tập của học sinh, từ đó có thể xác định được học sinh đó cần hỗ trợ những gì, và cần bao nhiêu thời gian để đầu tư cho học sinh đạt được các tiêu chí năng lực đề ra.
Có hai loại đánh giá để đo việc học của học sinh trong mô hình giáo dục dựa trên năng lực: đánh giá quá trình (formative assessment) và đánh giá kết quả (summative assessment). Đánh giá quá trình giúp học sinh đo được việc học của chúng hàng ngày và giúp xác định được nội dung quan trọng mà chúng cần học và thực hành thêm.
Đánh giá kết quả là đánh giá kết thúc của mỗi chương trình hay cấp độ của người học nhằm giúp xác định khả năng của học sinh có thể tiếp tục cho cấp độ năng lực tiếp theo hay để tốt nghiệp. Đánh giá kết quả cũng giúp giáo viên xác định mức độ khoảng cách giữa việc học và năng lực đạt được của người học, đưa ra những thay đổi cần thiết cho chương trình học.
Chương trình giáo dục dựa trên năng lực
Chương trình giáo dục dựa trên năng lực thường được thiết kế linh hoạt theo hướng mở nhằm có thể bổ sung và cập nhật kịp thời nội dung kiến thức mới. Nội dung chương trình thường được thiết kế theo module hoặc tín chỉ. Sách giáo khoa chỉ mang tính chất là tài liệu tham khảo cho giảng dạy chứ không thể hiện là chương trình giảng dạy như hướng tiếp cận nội dung.
Chương trình giảng dạy phải đảm bảo phát triển theo hướng cả chiều rộng và chiều sâu, tính tương hỗ giữa các môn học nhằm hình thành kiến thức, kỹ năng, giá trị, hành vi, và thái độ theo yêu cầu đề ra cho các em.
Johnstone & Soares (2014) cho rằng để thực thi mô hình giáo dục năng lực thành công đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và xem xét thận trọng, phải thiết kế lại hệ thống quản lý, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục ở tất cả cấp độ từ trung ương đến địa phương. Khi các năng lực được xây dựng để phát triển thì đòi hỏi cơ sở giáo dục ở địa phương phải chuyển tải nó thành chủ đề và nội dung giảng dạy phù hợp, giúp phát triển và hiện thực hóa các năng lực đó ở học sinh.
Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực là một định hướng đúng đắn, đáp ứng không chỉ nhu cầu cho người học ở thế kỷ 21 mà còn chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế. Hướng tiếp cận giáo dục dựa trên năng lực mặc dù không phải là mới, song đang trở thành mô hình giáo dục được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển.
Nhưng việc áp dụng mô hình này vào bối cảnh giáo dục Việt Nam cần có sự nghiên cứu, đánh giá và xem xét cẩn trọng vì sự khác biệt về nền tảng văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục có thể là những rào cản lớn trong quá trình thực thi.
Nguyễn Sóng Hiền
Nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia
*Góp ý về chương trình giáo dục phổ thông, gửi về giaoduc@vnexpress.net