Ngày 13/11, Huỳnh Hoàng Tam (23 tuổi, Long An) lần đầu tiên được tới Hà Nội gặp mặt Chủ tịch nước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Em là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng được tuyên dương vì những cống hiến cho giáo dục. Chàng binh nhất chia sẻ rất xúc động.
Tháng 2/2016, Huỳnh Hoàng Tam nhập ngũ, được phân công về đồn biên phòng Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An). Nơi đây có nhiều Việt kiều từ Biển Hồ (Campuchia) về nước, không quốc tịch hay giấy tờ tùy thân, sống nghèo khổ trên ghe, trong những lều lá dột nát. Hầu hết trẻ con mù chữ, phải sớm mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Là đảng viên duy nhất trong đội ngũ chiến sĩ của đồn biên phòng Tuyên Bình, Hoàng Tam được giao phụ trách lớp học tình thương. Đều đặn mỗi tối, Tam khoác bộ quân phục xanh đứng trên bục giảng bài cho 31 học sinh lớp 1.
"Cảm giác ngày đầu làm thầy giáo rất lạ lẫm. Em đã lên mạng tìm hiểu về nghiệp vụ sư phạm, nhờ thầy cô giáo ở trường tiểu học gần đồn biên phòng chỉ dẫn, nhưng khi thực sự đứng lớp lại chẳng biết làm thế nào để tập trung sự chú ý của học sinh", Tam kể.
Lớp tình thương của đồn biên phòng Tuyên Bình mượn phòng của trường tiểu học trong xã nên có điện, nước khang trang. Bút vở của học trò đều do cán bộ chiến sĩ của đồn huy động tổ chức xã hội tài trợ và tự trích lương. Được hỗ trợ, nhưng trẻ vùng biên là lao động chính trong gia đình nên thường xuyên nghỉ học. "Thầy giáo quân hàm xanh" phải đến từng nhà vận động, đưa 26 trẻ trở lại lớp.
"Các em ban đầu chưa hiểu ý nghĩa của việc học con chữ nên bỏ lớp, nhưng bây giờ dù trời tối, mưa vẫn đến trường", Tam tự hào kể. Chiến sĩ trẻ mỉm cười nhớ lại những ngày thầy và trò cùng vui cười học hát. Mùa 20/11 đầu tiên, Tam được học sinh tặng hoa, chúc mừng.
Ở vùng địa đầu Tổ quốc - Cao Bằng, thượng úy Chu Thanh Xuân (30 tuổi) 6 năm nay cũng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào Dao. Khi công tác tại đồn biên phòng Xuân Trường (huyện Bảo Lạc), anh Xuân đã vận động 90% trẻ em xã Xà Phìn tiếp tục học lên lớp 6. Toàn bộ người dân hai xã mà đồn biên phòng phụ trách được phổ cập giáo dục, nhờ học lớp xóa mù chữ của thầy Xuân.
Khi chuyển công tác tới đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng, Cao Bằng), thượng úy Xuân tiếp tục "gieo cái chữ" cho đồng bào dân tộc. Anh nhận nuôi hai học sinh người Dao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại đồn. Hàng ngày ngoài việc chuyên môn, anh hướng dẫn các em cách lao động, hỗ trợ học tập. Sau ba năm ở cùng thầy, những học trò này từ học lực trung bình yếu đã vươn lên mức khá và dẫn đầu lớp với 7,9 điểm tổng kết.
Là một trong hai cán bộ lớn tuổi nhất được vinh danh, trung tá Mai Văn Sơn (50 tuổi, Đồn Biên phòng Hải Vân, Đà Nẵng) có 26 năm dạy học xóa mù chữ cho hàng nghìn người dân.
Năm 1992, tốt nghiệp Trung cấp biên phòng, anh Sơn được điều về công tác tại Đồn biên phòng 256 (Quảng Nam - Đà nẵng), giữ chức vụ Đội phó Đội vận động quần chúng. Người dân ở đây chủ yếu sống trên thuyền, lênh đênh đi đánh cá. Để phổ cập giáo dục được rộng nhất cho bà con, đội phó Sơn nhiều hôm dạy học ngay trên thuyền, khi học trò nhất quyết không đến trường.
Ở đồn Biên phòng Hải Vân (Đà Nẵng), để người dân có thêm thời gian tới lớp học xóa mù chữ, thầy giáo Sơn cùng đồng đội thay nhau vá lưới, gặt lúa, dọn nhà giúp bà con. "Lớp xóa mù đủ độ tuổi, chúng tôi không có nghiệp vụ sư phạm nên nhiều khi lóng ngóng. Học trò thì chân tay quen cầm cày, cầm cuốc nên lúc đầu ngồi yên tập viết chữ gặp nhiều khó khăn", trung tá Sơn kể.
Trải qua nhiều năm, trong số học trò của thầy giáo Sơn, có người đã đỗ đại học, người giữ chức vụ cao. 20/11 hàng năm, học sinh cũ vẫn về đồn biên phòng tặng hoa, quà, có khi chỉ là mớ rau, nải chuối. Với chú bộ đội được người dân gọi bằng "thầy" ấy, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.
Sáng 13/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen cho 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Phát biểu tại buổi gặp, ông Nhạ bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng, sự nỗ lực của những người thầy mang quân hàm xanh. Bộ trưởng cho biết, sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, xóa mù chữ, duy trì kết quả phổ cập... còn nhiều khó khăn, nhất là với vùng xa, biên giới, hải đảo. Sự tham gia tích cực của các đồn biên phòng đã hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ "lấp trũng" cho giáo dục đào tạo tại vùng khó khăn. Thời gian tới, để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia vào hoạt động giáo dục, ngành sẽ hỗ trợ chuyên môn, chương trình, sách giáo khoa và đề nghị có chế độ hợp lý cho những thầy giáo mang quân hàm xanh. |