Từng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1981, sau đó giảng dạy khoảng 10 năm ở các đại học Mỹ trước khi chuyển sang Đại học Toronto (Canada), GS Lương Văn Hy, nguyên Trưởng khoa Nhân học, Đại học Toronto, đã chỉ ra những khác biệt giữa hệ thống giáo sư Việt Nam và Mỹ, Canada.
Giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp, không phải phẩm hàm trọn đời
Chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam sẽ theo trọn đời mỗi cá nhân nếu không bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn. So với nhiều nước, trong đó có Mỹ và Canada, điều này là khác biệt lớn.
Giáo sư, phó giáo sư ở Canada và Mỹ là chức vụ ở các đại học. Giáo sư (“Professor”, không đi kèm từ “Visiting” hay “Adjunct” ở trước) là vào biên chế của đại học. Phó giáo sư (“Associate Professor”, cũng không kèm từ “Visiting” hay “Adjunct”) cũng nằm trong biên chế của hầu hết đại học.
“Associate Professor” ở một vài đại học và “Assistant Professor” ở tất cả đại học thì chưa được vào biên chế mà còn dạng hợp đồng 3-5 năm. Danh xưng giáo sư, phó giáo sư cũng có ở các trường cao đẳng cộng đồng Mỹ, nhưng không có ở trường cao đẳng khối Anh ngữ ở Canada. Khi chuyển sang môi trường làm việc khác, danh xưng giáo sư và phó giáo sư không được dùng nữa.
Ví dụ Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng là giáo sư ở Đại học Harvard, nhưng khi chuyển sang làm Cố vấn chính về an ninh quốc gia cho Tổng thống Nixon và làm Ngoại trưởng, không ai gọi ông là giáo sư nữa và ông cũng không còn ký tên với danh xưng giáo sư.
Một chuyên viên làm việc trong một ngành nghề khác có thể được một đại học mời dạy mỗi năm một lớp. Nếu là chuyên viên cấp cao, đại học có thể chính thức cho họ danh xưng “Adjunct (Associate/Assistant) Professor” trong một hay vài năm trong môi trường đại học. Nhưng những người này có nghề nghiệp chính ở ngành khác, nên theo nguyên tắc họ không dùng danh xưng đại học trong xã hội.
Đại học ở Mỹ và Canada còn có chức danh giáo sư/phó giáo sư/giáo sư trợ lý thỉnh giảng (“Visiting Professor/Associate Professor/Assistant Professor”) cho những người dạy nhiều lớp trong một hay vài học kỳ. Khi chấm dứt hợp đồng, nếu họ trở lại những ngành nghề khác, thì không còn được dùng danh xưng giáo sư/phó giáo sư thỉnh giảng. Nhưng nếu sau khi thỉnh giảng, họ tiếp tục dạy học ở đại học bổ nhiệm họ lâu dài, thì dùng danh xưng theo chức vụ ở đại học bổ nhiệm họ lâu dài.
Trách nhiệm của giáo sư ở trường giảng dạy và nghiên cứu khác nhau
Ở Việt Nam, giáo sư làm việc trong môi trường nào cũng đều có nhiệm vụ giống nhau (quy định 174 năm 2008) như: giảng dạy, biên soạn chương trình, hướng dẫn luận văn, nghiên cứu khoa học...
Ở Mỹ và Canada, trách nhiệm và quyền lợi của giáo sư, phó giáo sư do đại học quy định, một mặt có những mẫu số chung, nhưng cũng khác nhau khá nhiều, tùy vào đại học bổ nhiệm chức vụ này là trường nghiên cứu hay giảng dạy.
Tại những đại học được xem là hàng đầu và có tên tuổi, vốn là trường nghiên cứu (research university), giáo sư, phó giáo sư có trách nhiệm: nghiên cứu, thường xuyên công bố kết quả nghiên cứu ở những tạp chí, nhà xuất bản có uy tín; hướng dẫn luận án/luận văn. Việc giảng dạy là nhiệm vụ nhưng tương đối nhẹ.
Ở những đại học không phải là trường nghiên cứu, trách nhiệm giảng dạy nặng hơn nhiều và trách nhiệm nghiên cứu không bị đặt nặng. Tuy nhiên, ngay cả ở những trường giảng dạy, công bố kết quả nghiên cứu nghiêm túc được đánh giá cao và giúp giảng viên có thêm điểm trong tiến trình xem xét lên chức.
Về quyền lợi, giáo sư và phó giáo sư được tự do trong học thuật (academic freedom). Một khi nằm trong biên chế, họ được bảo đảm lâu dài trong công việc, khó mất việc trừ khi vi phạm đạo đức hay pháp luật nghiêm trọng.
Không đòi hỏi giáo sư phải viết sách
Quy định về tiêu chuẩn chức danh giáo sư ở Việt Nam nêu rõ, giáo sư phải biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Sách phải được xuất bản, nộp lưu chiểu trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.
Hệ thống đại học Mỹ và Canada lại theo nguyên tắc tản quyền. Giáo sư và phó giáo sư do đại học phong, nhưng ở các trường nghiên cứu, việc phong này tùy thuộc gần như hoàn toàn vào đánh giá của giáo sư ở các nơi khác trong chuyên ngành của ứng viên về chất lượng công trình nghiên cứu.
Về mặt giảng dạy, giáo sư ở cả trường nghiên cứu và giảng dạy đều không bị đòi hỏi viết giáo trình hay ra sách phục vụ giảng dạy. Nhà trường luôn cho sinh viên đánh giá hiệu quả giảng dạy của giảng viên vào cuối học kỳ bằng cách cho điểm cũng như viết nhận xét cụ thể. Những điểm và phiếu nhận xét này được lưu trong hồ sơ giảng viên trong suốt sự nghiệp giảng dạy ở đại học.
Ngoài ra, khả năng giảng dạy của giảng viên còn được đánh giá qua những khóa luận, luận văn, luận án hướng dẫn và đã hoàn thành. Cũng có thể có một tiểu ban đánh giá giảng dạy thăm lớp học của giảng viên, dựa vào quan sát cũng như điểm và nhận xét của sinh viên trong nhiều năm để báo cáo khả năng giảng dạy của giảng viên đó.
Vi phạm quy tắc đạo đức nghiêm trọng có thể bị miễn nhiệm
Quy tắc đạo đức có thể là thành văn hoặc bất thành văn nhưng rất quan trọng trong môi trường đại học ở Mỹ và Canada. Nếu vi phạm những quy tắc này, giáo sư, phó giáo sư cũng bị chế tài bằng nhiều biện pháp, gồm cả bị miễn nhiệm nếu vi phạm nghiêm trọng.
Trong việc giảng dạy, giáo sư, phó giáo sư, cũng như giảng viên nói chung phải công tâm với tất cả sinh viên, học viên hay nghiên cứu sinh đang học mình, do mình hướng dẫn. Trong khuôn khổ của nguyên tắc này, có một quy tắc đạo đức bất thành văn là giảng viên không được gạ tình sinh viên đang học với họ, hay có quan hệ tình cảm với những người mà họ đang giảng dạy, hướng dẫn. Việc gạ tình hay có quan hệ tình cảm sẽ làm cho giảng viên không còn công tâm trong việc thẩm định kết quả học tập với tất cả người theo học họ.
Trong nghiên cứu, viết lách, và công bố kết quả nghiên cứu, vi phạm đạo đức nghiêm trọng xảy ra khi ngụy tạo kết quả nghiên cứu, đạo văn, sử dụng không phép dữ liệu từ đề tài người khác làm chủ nhiệm, hay không trung thực với tạp chí xem xét việc đăng bài của nhà nghiên cứu.
Ví dụ giáo sư đạo văn. Việc chế tài sinh viên đạo văn thường được trường đại học văn bản hóa với những hình phạt nghiêm khắc (lần đầu thì bài bị điểm 0 và thường là bị đánh trượt môn mà sinh viên phạm tội đạo văn, tái phạm thì bị đưa ra hội đồng kỷ luật và thường là bị đuổi học vài học kỳ hay vĩnh viễn). Với giảng viên, giáo sư, phó giáo sư, việc không được đạo văn, dù chỉ vài câu, là quy tắc bất thành văn, nếu vi phạm họ phải chịu chế tài nặng.
Cơ chế giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo sư, phó giáo sư dựa vào chính đại học bổ nhiệm chức danh này và cộng đồng ngành học thuật trong và ngoài nước. Cộng đồng ngành học thuật mang tính quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra trường hợp đạo văn, sử dụng không phép dữ liệu học thuật từ một đề tài mình không phải là chủ nhiệm, không trung thực với tạp chí mình nộp bài, hay ngụy tạo dữ liệu học thuật. Những vi phạm này dù xảy ra 5, 10 hay 20 năm trước, sau mới phát hiện ra cũng bị xem là rất nghiêm trọng, có thể bị miễn nhiệm.
Biện pháp chế tài của đại học nhẹ thì cảnh cáo và không cho giữ những chức vụ quản lý và lãnh đạo, nặng hơn thì tạo áp lực để giáo sư và phó giáo sư từ nhiệm, hay mạnh tay hơn thì miễn nhiệm.
Trong thập kỷ vừa qua, một giáo sư ở một đại học Mỹ rất nổi tiếng bị đại học điều tra xoay quanh khả năng ngụy tạo dữ liệu trong vài bài tạp chí của mình. Kết quả điều tra khẳng định việc giáo sư này cố tình mã hóa dữ liệu theo chiều hướng phóng đại kết quả trong một nghiên cứu và trong bài tạp chí đã đăng, dẫn đến một tạp chí ISI chính thức rút bài của giáo sư này.
Đồng nghiệp trong khoa của giáo sư này đã bỏ phiếu không cho ông ấy dạy học trong năm học sau. Cấp trên ở đại học này cũng ủng hộ biện pháp này, dẫn đến giáo sư này từ nhiệm trong năm học diễn ra cuộc bỏ phiếu. Ông ấy không những mất chức giáo sư tại đại học nổi tiếng mà còn mất luôn triển vọng tìm được công việc tương tự vì một bài khoa học đã bị rút và cả cộng đồng học thuật đều biết lý do.
Khi một giáo sư hay phó giáo sư trong biên chế có vi phạm nghiêm trọng, biện pháp chế tài kiểu này thường được đại học dùng nhiều hơn là miễn nhiệm trực tiếp, để tránh việc người bị miễn nhiệm có thể kiện ngược ra tòa và đại học sẽ phải tốn kém thời gian, chi phí mời luật sư. Cũng có trường hợp đại học miễn nhiệm trực tiếp nhưng đây thường là biện pháp cuối cùng và khá hiếm.
>>Những kiến nghị về quy trình xét duyệt giáo sư, phó giáo sư từ GS Hy
GS Lương Văn Hy
Dương Tâm ghi