Nhiều học sinh Việt Nam chọn du học nước ngoài, nhất là ở các nước có nền giáo dục phát triển ở châu Âu, Mỹ... với mong muốn được trải nghiệm, tích lũy kiến thức ở những ngôi trường danh tiếng.
Tuy nhiên để làm được điều này cả phụ huynh và học sinh nên lưu ý, chuẩn bị tốt vấn đề tài chính cho con đường học vấn ở nước ngoài:
Tìm hiểu kỹ các loại phí khi du học
Để con du học thành công, gia đình cần lập kế hoạch tài chính rõ ràng và cân đối giữa khả năng chi trả, nguồn thu trong gia đình, tránh trường hợp phải chạy đua với việc học của con.
Là du học sinh tại Bang Washington (Mỹ), Mai Anh cho rằng, du học sinh cần học cách chi tiêu tiết kiệm nếu như gia đình không quá dư dả. Theo cô, sinh viên nên thuê nhà ở chung với người bản xứ để được chủ nhà miễn giảm các chi phí như điện, nước, gas, internet… Các khoản này thường chiếm khoảng 200-300 USD mỗi tháng. Giá thuê phòng khu vực cô học trung bình mỗi người khoảng 600-800 USD một tháng.
Hạ Vy, đang học tại Foothill College (California, Mỹ) cũng cho rằng, nếu tiết kiệm mỗi tháng bạn cũng mất khoảng 300-400 USD tiền ăn nếu tự nấu, còn ăn ở tiệm hoặc ở căn tin trường tốn khoảng 10-20 USD mỗi ngày cho hai bữa. Một học kỳ với 12 tín chỉ, bạn phải chi khoảng 210 USD mỗi tín chỉ cho cao đẳng và 300-400 USD mỗi tín chỉ cho đại học.
Canada cũng được xếp vào một trong những quốc gia có mức sống cao nên học phí mỗi năm là từ 10.000-15.000 CAD cho hệ cao đẳng và từ 16.000-30.000 CAD hệ đại học. Phí sinh hoạt dao động từ 10.000-14.000 CAD mỗi năm.

Có kế hoạch tài chính cụ thể, việc du học của sinh viên trở nên dễ dàng hơn.
Chuẩn bị các phương án tài chính
Trên thực tế, không ít phụ huynh rơi vào tình trạng “đuối sức” khi không chuẩn bị nguồn tài chính vững chắc trước khi gửi con sang học nước ngoài.
Gia đình không dư dả nhưng khi cậu con trai nhận học bổng 50% du học tại Anh, anh Minh Hoàng (quận 11, TP.HCM) vẫn cố gắng tạo điều kiện để con đi học. Tuy nhiên, vì không có kế hoạch tài chính rõ ràng, con trai anh phải gãy gánh giữa đường.
Vợ chồng anh Hoàng kinh doanh tạp hóa, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng một tháng. Để trang trải chi phí năm đầu tiên cho con, anh đã dùng hết số tiền tiết kiệm 400 triệu đồng. Những năm còn lại, vì mỗi tháng chi tiêu của con trai bằng tổng thu nhập của cả hai vợ chồng nên gia đình anh quyết định cho thuê ngôi nhà hiện tại và chuyển sang ở một ngôi nhà nhỏ hơn. Dù vậy, sau khi gửi tiền cho con, mỗi tháng vợ chồng anh chỉ dư 6 triệu đồng để chi tiêu, sinh hoạt. Việc buôn bán của gia đình nhiều khi không thuận lợi khiến nỗi lo kinh tế đè nặng.
Biết hoàn cảnh của cha mẹ, con trai anh Hoàng cố gắng đi làm thêm nhưng vẫn không đủ chi phí sinh hoạt và học phí tại một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới này. Sau hơn 2 năm gắng gượng, nam sinh viên quyết định chuyển về học ở Việt Nam.
Theo giám đốc một công ty chuyên tư vấn du học ở TP HCM, nếu có ý định cho con du học, cha mẹ nên tích lũy tài chính khi con còn nhỏ, khoản tiền này để riêng. "Nếu không muốn con có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng, cha mẹ chỉ nên cho con lên đường khi đã chuẩn bị đủ chi phí cho toàn bộ thời gian học của con", chuyên gia này nói.
Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể chọn vay du học tại các ngân hàng để hỗ trợ việc học hành của con. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đi làm để trả dần khoản vay này thay vì để cha mẹ phải gồng gánh toàn bộ chi phí du học.
Trong đó, gói vay du học của VPBank - ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đang thực hiện chương trình ưu đãi vay thế chấp với lãi suất 6,9% một năm. Phụ huynh có thể vay tối đa 10 tỷ đồng trong thời gian 25 năm.
Ngọc Anh