Ngày 10/9, hơn 10 phụ huynh tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) kéo đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh gửi đơn kiến nghị không áp dụng chương trình dạy theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (chủ biên là GS Hồ Ngọc Đại).
Trong đơn, nhiều phụ huynh cho biết không đồng ý cho con học phương pháp mới vì không hiểu để dạy và kiểm tra được con mình tiếp thu đến đâu. “Đến cuối năm phụ huynh mới biết thực lực con mình. Các cháu không theo kịp cùng bạn sẽ nản ở năm học đầu đời. Lúc đấy chúng tôi sẽ lại phải chạy đôn chạy đáo phổ cập cho con mình”, một bà mẹ nói.
Ngoài ra, phụ huynh cho rằng chương trình Công nghệ giáo dục có quá nhiều điểm không phù hợp cho lứa tuổi tiểu học, yêu cầu nhà trường lấy ý kiến phụ huynh để lựa chọn chương trình học và áp dụng ngay vào năm học 2018-2019.
Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục Tiền Giang, cho biết đã yêu cầu phụ huynh ghi rõ họ tên con em, tên trường để Sở có hướng giải quyết. Tuy nhiên, họ không đồng ý ghi tên và ra về.
Ông Oanh nhận định qua thí điểm, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có một số từ ngữ không phù hợp với miền Nam. “Quá trình giảng dạy, các trường sẽ chọn lọc, từ ngữ nào không phù hợp chúng tôi sẽ loại ra, chứ không nhất thiết phải theo y như trong sách”, ông Oanh nói.
Đánh giá chung của Sở là khi sử dụng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, học sinh nhanh biết đọc, biết viết.
Theo kế hoạch, trong hội nghị hiệu trưởng sắp tới, Sở sẽ yêu cầu tất cả hiệu trưởng khi họp đầu năm phải giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu rõ chương trình Công nghệ giáo dục. Ngoài ra, giáo viên phải ghi nhận ý kiến thắc mắc của phụ huynh, báo cáo về Sở để có hướng giải quyết.
Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được thực hiện tại một số trường tại Tiền Giang từ 5 năm trước và dạy đại trà từ một tháng nay.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.
An Nam