Sáng 11/5, nguyên Hiệu phó Đại học Ngoại ngữ Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ bức xúc về việc bị trung tâm ngoại ngữ Langmaster lợi dụng tên tuổi để quảng cáo sai sự thật. Trên website của trung tâm này, giảng viên đầu tiên của Việt Nam được nhà nước cử sang Vương quốc Anh để đào tạo bài bản về dạy tiếng Anh, đồng thời là gương mặt quen thuộc trong chương trình Dạy tiếng Anh trên truyền hình, được giới thiệu là chuyên gia cố vấn.
"Là chuyên gia hay cố vấn của trung tâm ngoại ngữ thì phải có hợp đồng, được trả lương, nhưng tôi không ký kết văn bản nào hay nhận thù lao gì từ Langmaster. 4-5 năm nay hai bên chẳng có bất cứ liên lạc gì", ông Hùng nói.
Nguyên Hiệu phó Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho biết, khoảng 5 năm trước giám đốc trung tâm ngoại ngữ Langmaster từng đến gặp ông trao đổi về phương pháp dạy - học tiếng Anh, nhưng không có sự đồng thuận. Langmaster sau đó mời ông Hùng tham gia buổi nói chuyện với khoảng 300 sinh viên về việc học ngoại ngữ. Là người gắn bó với nhiều thế hệ học trò, ông Hùng nhận lời, như với nhiều đơn vị khác từng mời ông đến làm diễn giả.
"Đó là lần duy nhất tôi hợp tác, nhưng Langmaster lợi dụng việc này để đưa tên tuổi của tôi vào danh sách chuyên gia cố vấn. Điều đó là sai sự thật. Tôi rất khó chịu", ông Hùng chia sẻ.
Ở tuổi 77, thầy Hùng ít khi vào Internet mà chủ yếu đọc sách nên không biết việc Langmaster lợi dụng tên tuổi để quảng cáo cho trung tâm. Sau khi báo chí gọi điện xác minh, ông mới rõ và yêu cầu cơ sở này gỡ hoàn toàn thông tin sai sự thật liên quan đến mình khỏi tất cả ấn phẩm, website.
Trong danh sách chuyên gia cố vấn hiện đăng trên website của Langmaster còn có giáo sư Lê Khánh Bằng - nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm lý Giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội). Tuy nhiên, vị giáo sư nổi tiếng với phương pháp dạy ngoại ngữ bằng thiền đã qua đời cách đây nửa năm.
Không chỉ chuyên gia người Việt tố cáo Langmaster lợi dụng tên tuổi, hai chuyên gia ngoại ngữ nổi tiếng thế giới là A.J Hoge - người sáng lập chương trình Effortless English và Paul Gruber - người sáng lập chương trình Pronunciation Workshop cũng phủ nhận vai trò chuyên gia của trung tâm này.
"Họ tự xưng là đối tác của tôi, nhưng sự thật không phải vậy... Langmaster đã đánh cắp nhiều bài học của tôi và giảng viên dạy tại các lớp học. Điều tệ nhất là họ cố gắng lấy bản quyền tên của tôi và thương hiệu của Effortless English. Langmaster nói với mọi người rằng họ là đại diện Effortless English tại Việt Nam. Họ đã nói dối", A.J Hoge nói.
Từng làm một số hội thảo với Langmaster, ông A.J Hoge tin tưởng trung tâm ngoại ngữ có đến 10 chi nhánh tại Hà Nội này. Việc bị Langmaster và nhiều công ty khác "ăn cắp" sản phẩm, lợi dụng tên tuổi, khiến ông buồn, thậm chí từng nghĩ sẽ không đến Việt Nam dạy tiếng Anh nữa.
Theo một giáo viên người Mỹ từng dạy ở Langmaster, rất đông học viên đến với trung tâm này vì danh tiếng của A.J Hoge.
Ngoài mạo danh người nổi tiếng trong đội ngũ chuyên gia, cố vấn, Langmaster còn bị tố cáo "ăn cắp" video dạy tiếng Anh của nhiều nguồn, như: BBC Learning English, International University of Japan... Khoảng 100 video của trung tâm bị phát hiện có nội dung giống với video các đơn vị trên đăng tải từ trước.
Trước bão dư luận, tối 10/5, Giám đốc Trung tâm Langmaster Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận hành vi "đạo" video và xin lỗi khách hàng, cộng đồng.
"Trung tâm đã hạ toàn bộ video bị phản ánh, những video có liên quan và rà soát toàn bộ sản phẩm để đảm bảo không bỏ sót... Đây là sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến niềm tin của tất cả mọi người với Langmaster và là bài học rất lớn để chúng tôi trưởng thành, có ý thức hơn trong việc sử dụng tri thức của nhân loại, cho dù là tốt nhưng phải tuân thủ quy tắc và luật lệ về bản quyền", ông Dũng nói.
Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Langmaster cam kết, không tái diễn việc đạo video và sẽ tuân thủ tuyệt đối các quy định về nội dung, bản quyền.
Việc sử dụng tên chuyên gia để quảng bá cho trung tâm, ông Dũng cho hay sẽ có giải đáp sau.