Cuối năm ngoái, con gái 15 tuổi của bà Phượng (44 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) được phát hiện sớm, đưa đi cấp cứu khi máu loang trên ga giường. Cháu dùng dao lam rạch tay với mong muốn được giải thoát. "Nó kể trường phát bảng điểm nhưng không dám mang về nhà vì sợ mẹ. Mỗi lần bị điểm kém là tôi la nó không ra gì", bà kể.
Con gái bà từ nhỏ bị phát hiện tự kỷ nhẹ, không tập trung học bài, có biểu hiện khép kín ở trường và rất hay nói ở nhà. Ban ngày vợ chồng bận việc, tối về mới có chút thời gian nghỉ ngơi nên họ thuê gia sư dạy kèm cho con gái.
Từ năm học lớp ba, con gái học sa sút, không theo kịp bạn bè, thường xuyên "học trước quên sau". Mỗi lần cùng gia sư chỉ bài cho con, người mẹ hay cáu giận, la mắng khi bé không nhớ bài, có hôm tát thẳng vào mặt con.
Học yếu, thường xuyên xếp hạng chót ở lớp nhưng con gái bà Phượng vẫn được cho lên lớp đều đặn. Em rất thích may vá và từng chia sẻ với mẹ ước mơ muốn làm thợ may, song bị mẹ gạt phăng: "Phải vào đại học".
Từ đầu năm học lớp 9, bà Phượng cho con học thêm đủ nơi, thuê cả gia sư dạy tiếng Anh về nhà. Bà cấm con không được vẽ, thêu thùa, hạn chế Internet và cắt điện thoại. Lâu dần, cô con gái ít nói ở nhà, sáng lặng lẽ cắp sách để ba chở đi học, tối về nhà lại dán mắt vào sách vở.
"Sau việc con tự tử, tôi hốt hoảng nhìn lại cách dạy. Hóa ra mình không quan tâm con muốn gì, thực lực ở đâu mà chỉ gò ép làm những gì mình muốn", bà thổ lộ.
Hiện bà Phượng đã cho con giảm học thêm, theo một lớp may đo quần áo gần nhà. Cô bé hay cười nói hơn, tỏ ra ham thích may vá. "Con học hành tiến bộ đôi chút, dù học lực chỉ trung bình. Bây giờ tôi nghĩ khác, chỉ cần nó vui và trưởng thành là đủ, đừng tạo áp lực quá sức cho con", bà nhắn nhủ.
Không giống bà Phượng, ông Công (ngụ quận 2, TP HCM) có hai con trai thông minh, giỏi giang. Cậu lớn đang du học ở châu Âu ngành Quản trị kinh doanh, nhiều năm đoạt giải học sinh giỏi thành phố môn Toán. Con út đang học lớp 11 chuyên ở một trường THPT có tiếng của TP HCM.
Với mục tiêu cho con út du học, vợ chồng ông Công không tiếc tiền đầu tư cho con học thêm ở nhiều trung tâm và thuê gia sư về nhà kèm tiếng Anh. Họ đặt mục tiêu cho con ở mỗi môn văn hóa, bài kiểm tra phải đạt từ 8 điểm trở lên.
"Muốn du học thì trước hết phải tốt nghiệp giỏi, thành tích phải đẹp, cộng thêm tiếng Anh lưu loát thì mới vào được trường có tiếng. Chúng tôi không muốn cho con học trong nước", người cha quả quyết.
Khi được hỏi đặt áp lực quá lớn như vậy có sợ con bị trầm cảm hoặc hành động tiêu cực, ông Công bày tỏ: "Có đôi lúc nghĩ tới, nhưng cuộc sống phải có áp lực mới có động lực để tiến bộ và thành công. Tôi nghĩ áp lực tôi tạo ra là vừa sức chứ không quá đáng cho con".
Người cha cũng thừa nhận, đôi lúc con trai than với cha mẹ ngột ngạt bởi lúc nào cũng mang anh ra làm gương. Biết thông tin nam sinh trường Nguyễn Khuyến tự tử bởi không đáp ứng mong mỏi của gia đình trong việc học, vợ chồng ông giật mình. "Mục tiêu du học không đổi nhưng sẽ cho con tự chọn trường, chọn ngành và cách thức để giành được học bổng du học", ông chia sẻ.
Nhiều phụ huynh ở TP HCM cũng cho biết, sau sự việc ở trường Nguyễn Khuyến đã thay đổi suy nghĩ và cách quản lý con. Nhẹ nhàng hơn, bớt học thêm những môn không cần thiết, để con tự chọn nghề nghiệp tương lai là cách được nhiều ông bố, bà mẹ chọn.
Bà Thu (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) phụ huynh trường THPT Thanh Đa kể, con trai lớn hiện học lớp 12 có lực học trung bình nên bà không đặt nặng mục tiêu thành tích. "Con tôi học không giỏi nhưng chơi bóng đá hay, chạy rất nhanh và muốn làm giáo viên dạy thể dục cấp một. Nó tự tin sẽ thi đậu vào ngành sư phạm thể thao nên tôi tùy ý cho con chọn", bà chia sẻ.
Ngoài việc học thêm hai môn Toán, Sinh để vào đại học, thời gian còn lại bà Thu để con trai thoải mái tự học và chơi thể thao.
Tuần trước, trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) xảy ra vụ nam sinh lớp 10 nhảy từ lầu bốn tự tử. Trong thư tuyệt mệnh, nam sinh với học lực giỏi đã nói lời xin lỗi cha mẹ bởi không đáp ứng được mong mỏi của họ trong việc học hành.
Sự việc làm dấy lên lo ngại áp lực học tập từ nhà trường và gia đình là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương tâm lý của học sinh.