Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố kết quả đánh giá tác động của mô hình trường học mới VNEN. Báo cáo dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc WB với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Việt Nam, Quỹ Dubai Cares, Chương trình Hợp tác Giáo dục Toàn cầu (GPE) và Viện Nghiên cứu Phát triển Me Kong.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu khảo sát từ học sinh lớp 3 năm học 2013-2014 và theo dõi trong hai năm học tiếp theo. Họ chọn ngẫu nhiên các trường học thực hiện và không thực hiện mô hình VNEN, khảo sát thực địa, phỏng vấn hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và học sinh hàng năm. Học sinh sẽ làm một bài kiểm tra đánh giá môn Toán và tiếng Việt được chuẩn hóa.
Theo báo cáo, chi phí của toàn bộ chương trình vào khoảng 85 triệu USD và mang lại lợi ích cho khoảng nửa triệu học sinh trong suốt bốn năm, chưa kể các em được hưởng lợi trong tương lai.
Theo đánh giá của WB, qua giám sát điểm thi môn tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh VNEN "có sức học bằng hoặc hơn các em ở lớp truyền thống". Các em theo học VNEN có điểm trung bình cao hơn ở mốc cơ sở của nghiên cứu (18 tháng sau khi bắt đầu dự án). Khác biệt này được duy trì qua các năm, mặc dù có sự thu hẹp dần trong hai năm sau.
Báo cáo ghi rõ, VNEN "tác động tích cực đến việc phát triển kỹ năng nhận thức và phi nhận thức của trẻ em Việt Nam". Ở VNEN, học sinh có hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, có thêm cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể. So với mô hình truyền thống, học sinh VNEN có thời lượng hoạt động cá nhân tương tự, nhưng lớp học VNEN dành nhiều thời gian cho hoạt động của nhóm hơn.
"Vì bài tập nhóm cho phép các quá trình nhận thức diễn ra nhiều hơn so các hoạt động chung của cả lớp, nên lớp học VNEN có thể mang lại hiệu quả giảng dạy cao hơn", báo cáo nêu rõ. WB cũng cho rằng, các trường học VNEN cung cấp thêm rất nhiều không gian cho học sinh phát triển và thực hành kỹ năng thế kỷ 21 như lãnh đạo, làm việc theo nhóm, học tập hợp tác, giao tiếp và tự học.
Dựa trên phản hồi của phụ huynh về sự phát triển hành vi của con em trong ba năm theo học VNEN, WB tổng hợp được kết quả: Học sinh của VNEN có sự phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc tốt hơn các em học trường truyền thống.
WB nhìn nhận, để chương trình thành công, cần có lãnh đạo đi tiên phong ở tất cả cấp độ, từ quốc gia, tỉnh thành đến quận huyện và cấp trường. Việc đào tạo giáo viên dạy giỏi, có tinh thần cam kết cao, để trở thành giáo viên nguồn cần được nâng lên thành công tác thường xuyên.
Một số thách thức mà VNEN phải đối mặt gồm sự kiên định trong tư duy truyền thống trong số giáo viên, trình độ tiếng Việt hạn chế của học sinh dân tộc thiểu số và sự thiếu khả năng cung cấp hỗ trợ học tập cho con của một số cha mẹ.
"Các bên liên quan ở Việt Nam nên được thông tin chính xác về những thành quả của mô hình Escuela Nueva ở Colombia và về VNEN được điều chỉnh áp dụng tại Việt Nam", báo cáo nêu.
Trong khi WB đánh giá tốt về VNEN thì năm học này nhiều tỉnh thành đã dừng triển khai mô hình trường học mới ở bậc THCS, không mở rộng thêm ở bậc tiểu học như Hà Tĩnh. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Sở Giáo dục rà soát, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ, đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Theo chương trình EN, học sinh đóng vai trò trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng. Mô hình áp dụng tại Việt Nam có cải biên so với nguyên gốc, thực hiện từ năm học 2011-2012 với 6 tỉnh tham gia. Đến năm 2017-2018, có 58 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai VNEN ở tiểu học với tỷ lệ 18% học sinh tham gia; cấp THCS tỷ lệ học sinh tham gia là 13%. |