Đề xuất cho tất cả học sinh phổ thông được nghỉ ngày thứ bảy nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh. Ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM) cũng đồng tình, nhưng cho rằng khó thực hiện. Theo phân phối chương trình, học sinh THPT có 30 tiết mỗi tuần. Trường đang học từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày 8 tiết, sáng học chính khóa 5 tiết, chiều học chuyên đề.
Trường Nguyễn Du phải học đủ 6 ngày trong tuần mới đáp ứng đủ khung chương trình. Nếu nghỉ thứ bảy, trường phải tăng số tiết chính khóa trong ngày nhưng cũng không thể quá 9 tiết mỗi ngày. "Thời khóa biểu khi đó rất kín, không còn quãng nghỉ và không có thời gian để các em học kỹ năng sống, tham gia hoạt động ngoại khóa", ông Phú nói.
Với trường học một buổi mỗi ngày, bài toán càng khó hơn. Bởi mỗi buổi chỉ được học tối đa 5 tiết, nay chỉ học 5 buổi trong tuần thì số tiết đạt được chỉ là 25.
Theo ông Phú, mấu chốt cho việc nghỉ thứ bảy phải là giảm tải chương trình. Ông hy vọng sách giáo khoa mới sẽ nhẹ nhàng hơn, thiết kế khung chương trình sẽ giảm số tiết học, từ đó các trường mới sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để học sinh được nghỉ trọn thứ bảy.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 12 khẳng định cơ sở trường học hiện chưa đáp ứng để vừa dạy đủ chương trình theo quy định, vừa nghỉ thứ bảy. Hiện bộ phận giáo vụ đã sắp xếp các tiết học nhẹ nhàng như công nghệ, thể dục vào ngày học cuối tuần nhưng cũng không thể dồn tiết trong từng buổi quá khung quy định.
Theo ông, ở một số quận xa trung tâm như 12, Bình Tân, Tân Phú, áp lực dân số lớn, việc đảm bảo đủ chỗ học đã khó, số trường dạy hai buổi mỗi ngày rất hiếm nên được nghỉ thứ bảy là điều không dám nghĩ tới.
Đồng quan điểm với đồng nghiệp tại TP HCM, ông Phan Linh Khánh (Phó phòng Giáo dục Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) nói tâm lý chung nhà trường và giáo viên đều mong được nghỉ thứ bảy để việc dạy và học trở nên nhẹ nhàng. Ông cũng tán thành, song với điều kiện hiện có ở trường học thì rất khó thực hiện.
Ngay ở TP Đà Lạt rất hiếm trường trung học đảm bảo đủ cơ sở vật chất để dạy hai buổi mỗi ngày, phần lớn trường dạy một buổi. Các trường ở huyện thì càng khó khăn hơn. Không đảm bảo dạy hai buổi, các trường không thể sắp xếp "dồn tiết" để nghỉ thứ bảy.
Về tương lai gần, theo ông Khánh, cần giảm tải chương trình bởi đây là chìa khóa duy nhất giảm số tiết, giờ học. Nếu cơ sở vật chất tốt, các trường sẽ sắp xếp dạy hai buổi cho một tuần 5 ngày, ngoài giờ học chính khóa sẽ là giờ tự học, học kỹ năng.
"Ngoài giờ dạy, giáo viên soạn giáo án, chấm bài, tham gia hoạt động chuyên môn, kèm học sinh yếu kém tại trường. Thời gian làm việc của họ như một công chức, làm toàn thời gian trường học, được nghỉ ngơi hoàn toàn sau giờ làm và cuối tuần", ông Khánh nói.
Bằng kinh nghiệm quản lý giáo dục, nhà giáo Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP HCM) cho biết cách đây gần 10 năm, ông đã sắp xếp cho học sinh của trường nghỉ thứ bảy mà vẫn đảm bảo được khung chương trình.
Với các môn không chiếm phòng học như Tin học (thực hành ở phòng máy) và Thể dục (học ở sân trường), ông đề nghị phụ huynh cho con em học chéo buổi. Tức là học chính khóa buổi sáng thì sẽ có 1-2 buổi chiều lên trường học Tin học, Thể dục. Nhờ đó, ông vẫn đảm bảo đủ chương trình khung, vừa để học sinh có kỳ cuối tuần trọn vẹn.
"Hiện, muốn làm điều này rất khó vì số tiết tối thiểu đã lên 27-28, các tiết chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm là bắt buộc trong khi các giờ kỹ năng sống, sinh hoạt ngoại khó cũng không thể bỏ. Muốn học sinh được nghỉ thứ bảy thì cần bàn tới phương án phân phối lại chương trình", nhà giáo Minh đề xuất.
Phụ huynh mong chờ nghỉ thứ bảy
Ông Nguyễn Nghĩa Dũng (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) có hai con gái học lớp 7 và lớp 10. Vợ chồng là viên chức nên được nghỉ trọn cuối tuần, song cứ sáng thứ bảy thì ông vẫn đưa hai con đi học rồi đón chúng về.
Theo ông Dũng, phần lớn phụ huynh ở trung tâm thành phố làm ở những cơ quan, doanh nghiệp cho nghỉ thứ bảy nên không muốn cho con đi học ngày này. "Cha mẹ được nghỉ, con cái thì đi học nên thành thử cuối tuần của cả gia đình không trọn vẹn. Tôi nghĩ nên sắp xếp lại thời khóa biểu hợp lý hơn để các cháu không phải học thứ bảy nữa", ông chia sẻ.
Có con trai đang học lớp 11 trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2), bà Phan Thị Nguyệt ủng hộ đề xuất cho học sinh trung học được nghỉ thứ bảy và mong điều này được luật hóa. Bởi học sinh hiện học cả tuần rất căng thẳng, từ học chính khóa đến học thêm nên nếu có kỳ cuối tuần trọn vẹn kéo dài sẽ giúp các em được nghỉ ngơi nhiều hơn.
"Nghỉ ở nhà không có nghĩa là chỉ có chơi, các cháu có thể tự học, học nhóm nhưng tâm lý sẽ thoải mái, thư giãn hơn", bà Nguyệt nói.
Với những phụ huynh lao động tự do, kinh doanh buôn bán không nghỉ ngày thứ bảy, họ cho rằng việc cho con em nghỉ ngày này cũng không ảnh hưởng lớn đến công việc. "Khác với cấp tiểu học, học sinh còn nhỏ nên phụ huynh cần nhà trường giữ trẻ, còn ở cấp THCS và THPT, các cháu đã lớn, có thể tự lo khi một mình ở nhà", một phụ huynh cho biết.
Vấn đề "cân nhắc quy định các trường phổ thông không dạy vào thứ bảy" được ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) đặt ra tại Hội nghị góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ở TP HCM đầu tuần này.
Đề xuất được một số đại biểu tán thành. Bà Phan Thị Thu Hà (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp) cho rằng thời gian học phổ thông hiện được tính theo tổng số tiết học hoặc theo tuần, tùy theo điều kiện của địa phương. Do đó, các tỉnh thành có thể sắp xếp sao cho đủ số giờ quy định mà học sinh được nghỉ thứ bảy.
Theo bà Hà, để các trường nghỉ hẳn cuối tuần sẽ đồng bộ với công tác của Sở và Phòng Giáo dục cấp huyện. "Nhiều khi trường học có sự việc xảy ra trúng ngày thứ bảy, cần báo cáo cấp trên thì họ lại nghỉ. Ngày thứ bảy nghỉ cũng tạo cho giáo viên có nhiều thời gian làm công tác đoàn thể, soạn bài", bà Hà nói.