Tại hội thảo “Kinh nghiệm giám sát, đánh giá tổ chức nghiên cứu của quốc tế và hiện trạng giám sát, đánh giá ở Việt Nam” ngày 22/11, TS Đinh Ái Linh, Phó giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP HCM), khẳng định việc đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học là rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm tại Việt Nam.
Bà Linh thông tin các trường đại học hàng đầu thế giới đều coi hoạt động nghiên cứu khoa học là kim chỉ nam, bởi nó ảnh hưởng tích cực đến giảng dạy, tạo nên danh tiếng và vị thế. Còn các trường của Việt Nam coi hoạt động đào tạo là mục tiêu “sống còn”, coi nhẹ nghiên cứu và việc đánh giá hoạt động nghiên cứu. Điều đó khiến đại học Việt Nam vắng bóng trên bảng xếp hạng khu vực và thế giới.
Bà Ái Linh lấy ví dụ về ba bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới là ARWU, THE và QS. Hệ thống xếp hạng ARWU sử dụng sáu tiêu chí theo bốn nhóm (chất lượng đào tạo, chất lượng giảng viên, thành tích nghiên cứu khoa học và hiệu suất nghiên cứu khoa học) để đánh giá. Nếu nhìn vào chỉ số 100% số điểm đều liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ lọt vào bảng xếp hạng này và còn lâu lắm chúng ta mới có thể mơ tới bảng này", bà Linh khẳng định khi nói về cơ hội Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng chú trọng thành tích nghiên cứu này.
Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) sử dụng 13 chỉ số thuộc ba lĩnh vực. Trong đó, nghiên cứu khoa học chiếm 62,5% số điểm đánh giá, giảng dạy chiếm 30% và mức độ quốc tế hóa chỉ chiếm 7,5%. Ở bảng xếp hạng THE châu Á, trọng số nghiên cứu khoa học thậm chí lên tới 67,5%.
Còn với bảng xếp hạng QS, nơi Việt Nam có năm đại diện góp mặt trong top 400 trường hàng đầu châu Á, chất lượng nghiên cứu khoa học cũng chiếm 50% trọng số.
Từ những dẫn chứng trên, bà Linh khẳng định muốn được xếp hạng thế giới và khu vực, các trường đại học buộc phải quan tâm đến nghiên cứu và đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Ngoài ra, việc đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học còn giúp cải tiến, nâng cao chất lượng nghiên cứu, là cơ sở đưa ra quyết định cải thiện công tác quản lý, chỉ đạo nghiên cứu. Kết quả đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình của đại học với Chính phủ và xã hội", bà Linh nói.
Thực trạng việc đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học
Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá hoạt động nghiên cứu với 10 tiểu chuẩn và 61 tiêu chí vào năm 2005. "Chúng tôi đã thực hiện kiểm định, đánh giá các trường đại học bằng bộ công cụ đó, nhưng không dám công bố kết quả vì chưa tin", bà Linh chia sẻ.
Đến năm 2013, bộ công cụ này được cải tiến và ban hành nhưng lại thiếu đội ngũ nhân sự có thể sử dụng. Sau đó, chỉ Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM có khả năng sử dụng bộ công cụ này.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bà Linh và đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ có tiêu chí đề tài, dự án phải được thực hiện và nghiệm thu theo đúng kế hoạch. Thực tế rất nhiều đề tài trễ hạn nhưng khi đội ngũ làm công tác đánh giá đến kiểm tra thì trường lại đưa ra một loạt quyết định gia hạn mới khiến việc đánh giá không chính xác.
"Ở tiêu chí hoạt động nghiên cứu phải có đóng góp mới cho khoa học thì không hiểu mới ở đây là như thế nào", bà Linh lấy ví dụ và khẳng định các trường đại học đều có quy chế đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng ít được áp dụng.
Về thực trạng nghiên cứu khoa học, bà Linh đánh giá giảng viên còn chú trọng vào nhiệm vụ giảng dạy hơn nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu còn mang tính phong trào, kinh phí hạn chế và đôi khi còn không được dùng đúng mục đích.
Để giải quyết tình trạng trên, tiến sĩ này cho rằng cần phố biến, quảng bá việc đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao hiểu biết và văn hóa đánh giá trong cộng đồng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, việc đánh giá cần có lộ trình và tiến đến thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
"Đặc biệt, đánh giá hoạt động khoa học công nghệ cần dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, không nên loay hoay xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng rồi cuối cùng vẫn phải áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc tế có sẵn", bà Linh nhấn mạnh.