Phòng rộng hơn 60 m2 nhưng chỉ có 3 trẻ với 2 giáo viên và một bảo mẫu nên rộng thênh thang. Căn phòng có nước sơn mới và nhiều tranh ảnh sặc sỡ này được Trường mầm non 19/5 (phường Tân Thuận Đông, quận 7) tận dụng từ phòng hiệu trưởng từ khi có chương trình thí điểm nhận chăm sóc trẻ 6-18 tháng tuổi của Sở Giáo dục TP HCM. Nền nhà cũng được lót bằng những tấm thảm mềm để phù hợp với sinh hoạt của trẻ ở độ tuổi này. Các vật dụng phục vụ trẻ như nôi, bàn ăn, thìa, tách... đều được sắm mới.
Là một trong những quận thực hiện thí điểm giữ trẻ mầm non 6-18 tháng tuổi, ông Ngô Xuân Đông - Trưởng phòng Giáo dục quận 7 - cho biết, Trường mầm non 19/5 đã quy hoạch, sửa sang lại phòng học để mở lớp cho độ tuổi này từ hồi tháng 6. Ngoài việc tận dụng phòng hiệu trưởng, nhà trường cũng lấy phòng của hiệu phó làm phòng vắt sữa.
Theo ông Đông, Trường 19/5 ưu tiên nhận trẻ có hộ khẩu hoặc KT3 trong quận, là con của công nhân, cán bộ nhà nước có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, sau 3 tháng “tuyển sinh”, đến nay trường mới nhận được 3 trẻ.
“Hiện số trẻ còn ít nhưng chúng tôi sẽ thường xuyên nhận hồ sơ và bổ sung số lượng. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Sở thì các trường không được nhận ồ ạt một lúc nhiều cháu mà phải nhận lần lượt từng đợt để các cô có thể hình thành thói quen sinh hoạt ở trường cho từng trẻ”, ông Đông giải thích.
Tương tự, ở quận Thủ Đức, ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục cho biết, trong năm đầu tiên quận đã chọn ra 3 trường mầm non để thí điểm. Trong đó, hai trường ở phường Linh Xuân và Bình Chiểu sẽ giải quyết nhu cầu gửi con của công nhân KCN Linh Trung - Linh Xuân và KCN Bình Chiểu. Còn trường ở phường Hiệp Bình Chánh do nằm trên khu vực tái định cư, dân số tập trung cao nên nhu cầu gửi con sẽ rất lớn.
Tuy nhiên sau khi cải tạo phòng ốc, cơ sở vật chất và giáo viên được chuẩn bị đầy đủ thì những trường này lại rất khó khăn trong việc "tuyển sinh" khi mỗi lớp chỉ có 3-4 bé. Hiện, các trường sẵn sàng nhận thêm hồ sơ để có thể đủ chỉ tiêu 14 bé/lớp.
Còn ở quận Gò Vấp, dù không nằm trong danh sách thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi trong năm nay, song khi khánh thành Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ vẫn mở lớp này để chuẩn bị cho năm sau làm thí điểm. Trường vừa được sửa sang lại từ một trường phổ thông trước đó nên rất khang trang, sạch đẹp. Riêng phòng học của lớp 6-18 tháng tuổi được trang bị đày đủ các dụng cụ cần thiết cho trẻ, từ đồ chơi đến nôi, ghế ăn, bàn, nệm, nhạc...
Bà Lê Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ - cho biết, hiện trường mở riêng hai lớp dành cho trẻ 6-12 tháng tuổi và 12-18 tháng tuổi. Các giáo viên của trường cũng được chọn ra từ những giáo viên có kinh nghiệm, tập huấn rêng về việc chăm sóc trẻ ở độ tuổi này.
Riêng lớp 6-12 tháng tuổi hiện đã có 5 trẻ, còn lớp 12-16 tháng tuổi thì đã có 9 trẻ. Mỗi lớp tới 3 giáo viên và một bảo mẫu đảm trách. Trong thời gian tới trường sẽ tiếp tục nhận thêm trẻ để đủ chỉ tiêu mỗi lớp 14 bé.
Cũng rơi vào tình trạng "ế" trẻ nhỏ đến học, bà Nguyễn Thị Trúc Ly - Phó Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh - cho biết, địa phương đã mở lớp dạy thí điểm ở trường Hoa Phượng Hồng (phường Vĩnh Lộc A), một trong những trường vừa được xây mới và được đầu tư khoảng 105 triệu đồng/lớp dành cho trẻ 6-18 tháng tuổi.
Trường ở gần khu công nghiệp, nên ưu tiên nhận con em công nhân có hộ khẩu hoặc tạm trú trên địa bàn phường, tiếp đó là con em của công nhân viên chức trong phường. Hiện, trường đã nhận được 8 bé và 4-5 hồ sơ khác đang trong giai đoạn chờ duyệt. Tuy nhiên, các bé đều trong độ tuổi 8-9 tháng trở lên, không có bé dưới 6 tháng. Do số lượng trẻ còn ít nên huyện Bình Chánh sẽ cho ghép hai lớp lứa tuổi 6-12 tháng và 13-18 tháng tuổi thành một với 2 giáo viên và 2 bảo mẫu chăm sóc.
Trong khi các trường đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thì phía phụ huynh nhiều người vẫn không hết e ngại khi gửi con ở độ tuổi này. Chị Đào Thị Nhung (quận Gò Vấp) cho biết, mặc dù đang có con 6 tháng tuổi và có nhu cầu gửi để đi làm sau thời gian nghỉ thai sản nhưng thấy con còn quá nhỏ chị không dám giao cho trường. Thay vào đó chị thuê người ở quê vào để vừa trông nhà vừa chăm con.
"Dù chi phí cao hơn nhưng được cái khá yên tâm. Thỉnh thoảng buổi trưa tôi lại tranh thủ về nhà cho con ăn, còn buổi sáng trước khi đi làm tôi đã vắt sữa và chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé nên chỉ cần dặn bà vú cho bé ăn, ngủ đúng giờ là được. Chắc phải để con được hơn một tuổi tôi mới cho đi nhà trẻ”, chị Nhung nói.
Tương tự, chị Kim Anh (trú tại phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho hay, biết Trường mầm non 19/5 ở gần nhà có nhận trẻ 6-18 tháng tuổi nhưng chị lại chọn cách đưa bà ngoại vào chăm sóc thay vì gửi con cho trường. "Con tôi chỉ mới được 9 tháng tuổi, nó còn quá nhỏ để đến lớp. Dẫu sao gửi cho người nhà vẫn an tâm hơn", chị Anh chia sẻ.
Trước đó, nhận thấy nhu cầu gửi trẻ của người dân ở lứa tuổi 6-18 tháng ngày càng cao nên Sở Giáo dục TP HCM đã đưa ra đề án thực hiện giữ trẻ ở độ tuổi này. Theo đề án, trong năm 2014-2015, Sở sẽ thí điểm nhận chăm sóc giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi ở 8 quận huyện gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, 7, 12. Mỗi quận huyện thí điểm từ 1 đến 2 trường mầm non công lập.
Tiếp đó, năm 2015-2016, mở rộng thêm 4 quận huyện mới bao gồm quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình. Ngoài những quận huyện này, Sở đồng thời khuyến khích các địa phương có điều kiện đăng ký tham gia nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. Hai năm kế tiếp, chương trình sẽ thực hiện đại trà tại 24 quận, huyện.
Theo kế hoạch, đến năm 2018, TP HCM cơ bản sẽ hoàn tất việc mở rộng trường lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để có thể đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ 6-18 tháng tuổi, các năm sau đó sẽ tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Nguyễn Loan