Làm cha mẹ là công việc có lẽ khó nhất trong đời của mỗi người. Đây là việc đòi hỏi sự chuyên tâm, tốn nhiều thời gian, không mang lại doanh thu mà còn rất tốn kém. Một công việc đặc biệt, và nếu không để tâm, đôi khi chúng ta phải đón nhận những hệ quả không mong muốn.
Là người cha và là một chuyên gia đào tạo, gần 9 năm tiếp xúc với phụ huynh, học sinh, tôi nhận thấy việc thấu hiểu cảm xúc của nhau là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong mối quan hệ đặc biệt này.
Bạn có tự hỏi, đã bao lâu rồi mình và con tâm sự hay lắng nghe những câu chuyện thường nhật của nhau, cha mẹ đã chia sẻ với con như thế nào khi chúng nói về ước mơ của mình?
Vì công việc, áp lực kinh tế, các mối quan hệ xã hội... trong thời đại ngày nay, việc các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau trở nên ít dần. Đây cũng là lý do khiến khoảng cách giữa hai thế hệ ngày một xa hơn. Sẽ rất khó để có thể mang lại hạnh phúc, sự gắn bó cho người mình yêu thương nếu chúng ta không hiểu họ.
Đôi khi chúng ta nghĩ con còn nhỏ, cảm xúc của con chỉ dừng lại ở mức của trẻ con, thiếu chín chắn, nhưng điều đó không có nghĩa là con không có cảm nhận của riêng mình. Con cũng có nỗi buồn vui, hoảng sợ, bất ngờ, hạnh phúc, yêu, ghét với cuộc sống và mọi người xung quanh.
Con cần được lắng nghe để thấu hiểu, được chia sẻ để đồng cảm chứ không phải chỉ là sự áp đặt hay thờ ơ với những chuyện mà con gặp phải mỗi ngày. Chúng cần được chúng ta xem trọng cảm xúc của mình vì đây là một nhu cầu tự nhiên.
Việc cha mẹ và con không hiểu nhau có thể gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có. Cha mẹ mãi mê làm ăn, lo cho cuộc sống của mình dễ dẫn đến con cái sa vào những vấn đề tiêu cực do bạn bè, người xấu lôi kéo như bỏ bê học tập, đánh nhau, đến những nơi không lành mạnh…
Con lầm lì, sống khép kín, mắc phải chứng trầm cảm... khi cha mẹ quan tâm không đúng cách, yêu thương theo cách mình muốn chứ không phải là điều con cần. Ví dụ, khi con cần được ở bên cha mẹ, thay vào đó là những chuyến công tác dài và món quà xa xỉ dùng để bù đắp cho sự thiếu hụt quan tâm của mình..
Cha mẹ thường dùng kinh nghiệm của mình để bác bỏ hoặc áp đặt lên suy nghĩ và những biểu hiện của con. Điều này dễ khiến các em trở nên nóng nảy, thiếu kiểm soát vì cảm thấy cha mẹ không hiểu mình. Chuyện sẽ tiếp diễn và đẩy lên cao trào nếu cả hai bên đều không nhìn ra vấn đề và cố chấp giữ quan điểm của bản thân.
Để con trưởng thành, ngoài sự chăm sóc về dinh dưỡng, học tập ở trường thì sự đồng hành của cha mẹ luôn đóng vai trò quan trọng. Đây là yếu tố hảnh hưởng lớn đến tâm - sinh lý của các em. Để làm được điều này, mỗi người làm cha, làm mẹ phải dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm, chuyện trò với con cái để hai bên có thể sẻ chia, thấu hiều và tìm ra cách giải quyết khi có vấn đề.
Hoàng Dương
Chuyên gia đào tạo kỹ năng sống của Công ty Youth Development Corporation
Với mong muốn giúp phụ huynh có thể hiểu rõ hơn cảm xúc của con để cùng đồng hành với các em trong suốt chặng đường dài, Youth Development Corporation - đơn vị tổ chức các khoá học "Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế" sẽ tổ chức miễn phí chương trình Family Adventure - khởi đầu hành trính thấu hiểu. Chương trình diễn ra vào ngày 1/4 tại TP HCM và 8/4 tại Hà Nội, dành cho phụ huynh có con đang học cấp 2-3.