Chia sẻ với VnExpress, giáo sư Đỗ Văn Tiến (Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest, Hungary) cho biết, việc xét công nhận giáo sư ở Hungary được thực hiện khi trường đại học ra thông báo cần tuyển giáo sư. Các ứng viên đáp ứng được điều kiện trường đưa ra, sẽ nộp hồ sơ như hồ sơ xin việc.
GS Đỗ Văn Tiến, Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest, Hungary. Ảnh: NVCC. |
Hồ sơ sẽ lần lượt qua hội đồng khoa, hội đồng khoa học của trường, hội đồng trường, Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Nguồn lực quốc gia xem xét. "Trường phải xin ý kiến thẩm định của Ủy ban và quyết định hồ sơ của ai sẽ được gửi lên Bộ Nguồn lực quốc gia đề nghị xem xét phong giáo sư. Bộ trưởng Nguồn lực quốc gia và Tổng thống Hungary là người ký quyết định công nhận và thông báo như thông báo luật", giáo sư Đỗ Văn Tiến nói.
Hungary bỏ phiếu kín nhưng công khai đánh giá ứng viên giáo sư
Các hội đồng xét công nhận giáo sư, theo ông Tiến, gồm góc độ khoa học và hành chính. Góc độ khoa học gồm: hội đồng khoa học của trường, Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Hungary. Góc độ hành chính có hội đồng khoa (có thể bỏ qua khâu này), hội đồng trường và Bộ Nguồn lực quốc gia. Thành viên của các đơn vị hành chính không cần là giáo sư, nhưng đây là yêu cầu tiên quyết với thành viên hội đồng.
Theo pháp luật Hungary, các quyết định của hội đồng hành chính phải được tham khảo và dựa vào quyết định của các hội đồng, chuyên gia khoa học. Ví dụ quyết định của hội đồng trường phải tham khảo quyết định của hội đồng giáo sư, quyết định của bộ trưởng nên dựa vào kết quả thẩm định của Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục.
Quyết định của Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng Hungary dựa trên ý kiến thẩm định của giáo sư các chuyên gia ngành. Nếu ý kiến trường và Ủy ban không đồng bộ, Bộ trưởng Nguồn lực quốc gia sẽ xin lại ý kiến của Ủy ban lần nữa.
"Hungary cũng bỏ phiếu kín để xét công nhận giáo sư như Việt Nam hiện nay, nhưng công khai nhận xét và kết quả nếu được. Việc xem xét và so sánh kết quả của các ứng viên giáo sư cũng đơn giản và dễ dàng khi họ buộc phải tổng hợp các bài báo của bản thân vào hệ thống online do Viện Hàn Lâm khoa học Hungary quản lý. Những sản phẩm này sẽ được kiểm định về thật giả và đánh giá chất lượng", giáo sư Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest nói.
Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục Hungary có ngân sách riêng của nhà nước và hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào Bộ Nguồn lực hay chính quyền. Nếu Ủy ban này không được chính phủ đảm bảo hoạt động độc lập thì theo quy định của ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education), bằng cấp do họ thông qua (tiến sĩ, giáo sư, đánh giá trường đại học) có thể không được công nhận ở châu Âu.
Thành viên của Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục Hungary đa phần là giáo sư uy tín, không giữ chức vụ gì trong chính quyền và không là hiệu trưởng đương nhiệm. Những người này được Bộ trưởng Nguồn lực quốc gia, Viện Hàn Lâm khoa học Hungary, hội nghị hiệu trưởng Hungary, hội sinh viên Hungary, hội nghiên cứu sinh, đại diện tôn giáo (những tôn giáo có trường đại học do nhà thờ quản lý và vận hành) tiến cử.
Bài báo đăng trên tạp chí nội bộ không tính là tiêu chí xét công nhận giáo sư
Ứng viên chức danh giáo sư phải thỏa mãn tiêu chí của Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục mới được ủng hộ. Tiêu chí này gồm: có đóng góp về giảng dạy; hướng dẫn nghiên cứu sinh; tiêu chí khoa học, trích dẫn và tham gia tổ chức khoa học; làm đề tài khoa học, quan hệ quốc tế. Mỗi nội dung đều có quy định cụ thể.
Việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, Ủy ban đòi hỏi ứng viên giáo sư phải hướng dẫn thành công ít nhất một tiến sĩ. Tuy nhiên, theo giáo sư Đỗ Văn Tiến, yêu cầu này có thể được bỏ qua nếu ứng viên xuất sắc về nghiên cứu khoa học. Ứng viên giáo sư ở Hungary không bắt buộc viết sách bởi quốc gia này quan niệm, sách đôi khi chỉ tổng hợp cái đã có hoặc từ các công trình của ứng viên. Trong hồ sơ, những người muốn được công nhận giáo sư chỉ được đưa vào 10 bài báo khoa học. 5 bài trong đó phải xuất bản vào 5 năm cuối tính từ khi ứng viên nộp hồ sơ.
"Ở Hungary, nhiều ngành mạnh khi xét công nhận giáo sư thường đánh giá rất thấp các bài đăng trên tạp chí xuất bản trong nước, tạp chí nội bộ không được tính. Một số trường đại học lớn, hay khoa lớn có uy tín thậm chí yêu cầu ứng viên phải có chức danh tiến sĩ khoa học của Viện Hàn Lâm khoa học Hungary thì mới được ủng hộ của hội đồng khoa học trường và được trường xử lý hồ sơ", giáo sư Tiến nói.
Một tiêu chí quan trọng bắt buộc khác là có chứng chỉ dr.habil do trường đại học cấp sau khi có bằng tiến sĩ. Chứng chỉ này dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của các tiến sĩ và phải bảo vệ trước hội đồng.
Không dùng chức danh giáo sư khi tham gia chính quyền
Quyền lợi của các giáo sư ở Hungary, theo giáo sư Đỗ Văn Tiến, là có ít giờ giảng dạy bắt buộc, được tự do sắp xếp công việc, nhận mức lương cao, có thể làm việc đến 70 tuổi mới về hưu. Tuy nhiên, họ có trách nhiệm bảo vệ danh dự của trường đại học và tự nguyện nghiên cứu tiếp, đóng góp cho trường, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nếu không nghiên cứu tiếp và có bài, các giáo sư sẽ không được tham gia hội đồng khoa học, không được nhận tài trợ khoa học... và bị ảnh hưởng đến thu nhập, sự thăng tiến, danh dự cá nhân.
Giống Việt Nam, chức danh giáo sư ở Hungary là không xác định thời hạn. Trường đại học có thể miễn nhiệm (xóa hợp đồng) với các giáo sư khi họ không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc chuyển sang trường khác. Chỉ Tổng thống mới có quyền xóa chức danh giáo sư. Hiệu trưởng chỉ đề nghị xóa chức danh nếu giáo sư đề nghị xóa, hoặc phạm tội, hay bị kỷ luật.
"Thường khi về hưu, không ai ở Hungary sử dụng chức danh giáo sư nữa mà gọi rõ là giáo sư về hưu. Một số giáo sư sau khi được phong đã tham gia chính quyền như làm Thứ trưởng, Bộ trưởng hoặc Tổng thống. Trong lịch sử Hungary, những người này đều tạm ngừng hợp đồng với nhà trường và không sử dụng chức danh giáo sư trên báo chí hay các quyết định mà họ ký khi tham gia chính quyền", giáo sư Tiến nói.
Nhận xét về chất lượng giáo sư, phó giáo sư Việt Nam, ông Đỗ Văn Tiến cho rằng nhiều người đã và đang làm nghiên cứu có chất lượng. Những người này nên nhận được ủng hộ và sử dụng để tăng chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học. "Việt Nam nên ưu đãi mức lương cho các giáo sư, ưu tiên tài trợ nghiên cứu dựa trên kết quả 5 năm cuối của họ. Biện pháp này nhiều nước đã áp dụng rất thành công", ông Tiến đề xuất.
Để giảm tiêu cực, lách luật trong xét phong giáo sư, giáo sư Tiến cho rằng, việc thẩm định nên độc lập với hành chính và nên công khai hồ sơ nghiên cứu khoa học của ứng viên, kết quả đánh giá của hội đồng. "Công bằng, công minh và công khai là biện pháp tốt nhất để giúp lớp trẻ tiếp cận khoa học, làm nghiên cứu có chất lượng", giáo sư Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest nói.
Trang Hương