Ngày 1/11, tại tọa đàm về nhân lực thông dịch viên, ông Trần Anh Tuấn (cán bộ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM) cho biết, từ nay đến năm 2025 mỗi năm thành phố cần 270.000-300.000 nhân lực tất cả ngành (130.000 chỗ làm việc mới).
Nhu cầu nhân lực nhóm ngành khoa học xã hội chiếm tỷ trọng 2%, trong đó thị trường lao động tại thành phố hiện thiếu hơn 1.000 biên, phiên dịch viên.
"Nhu cầu thông dịch viên tuy không nhiều nhưng đây là nghề rất quan trọng. Sự thiết hụt nhân lực khiến nhiều công ty, đơn vị gặp khó khăn", ông Tuấn nói.
Nhu cầu tuyển nghề này cao trong những năm gần đây, theo ông Tuấn, do Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, thường xuyên gặp gỡ, làm việc với đối tác các nước. Các doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng đầu tư, xuất khẩu hàng hóa sang các nước cũng có nhu cầu thông dịch viên khá lớn.
Ngoài tiếng Anh, thông dịch viên tiếng Hàn Quốc, Hoa, Nhật và một số ngoại ngữ hiếm khác là rất ít. Ở TP HCM, chỉ số ít trường đào tạo các ngoại ngữ này như Đại học Mở, Sư phạm, Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), Cơ sở 2 Đại học Ngoại thương... nhưng chỉ đáp ứng được vài trăm nhân sự mỗi năm.
Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp tại TP HCM cho biết, sự sàng lọc, đào thải của nghề này rất cao nên nhiều người ra trường ở các ngành ngoại ngữ nhanh chóng bị "rơi rụng" sau nhiều năm. Dù giỏi ngoại ngữ nhưng không có kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên sâu, thiếu nỗ lực trau dồi kỹ năng, cũng không trụ lâu với nghề.
Họ than phiền, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại ngữ nhưng không thể dịch hoàn chỉnh một văn bản hành chính đơn giản hoặc khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ rất kém. Nguyên nhân được cho là chương trình đào tạo ngành ngoại ngữ ở các đại học thiếu thực tế, lạc hậu so với nhu cầu xã hội.
Ông Phạm Xuân Hoàng Ân (nguyên trưởng phòng Chính trị - Kinh tế, Sở Ngoại vụ TP HCM), người có thâm niên thông dịch viên, cho rằng đặc thù của nghề này rất khó, đòi hỏi không chỉ giỏi ngoại ngữ mà phải có trí nhớ tốt, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực và kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt..
Theo ông Ân, nghề thông dịch viên sẽ không biến mất dù công nghệ hiện tại đã cho ra đời nhiều ứng dụng phiên dịch nhanh chóng, linh hoạt. Tuy nhiên, người học ngoại ngữ để hướng tới công việc thông dịch viên trong tương lai cần sự cầu thị, ham học hỏi và trau dồi kiến thức không ngừng.
Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra cho tình trạng thiếu hụt thông dịch viên là các trường đại học mở rộng ngành ngoại ngữ, chú trọng chuyên ngành thông dịch viên. Các đại học cũng cần đào tạo để sinh viên cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn.