Theo thông lệ, tháng 9-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi THPT quốc gia của năm sau, nhưng năm nay chưa có. Trong cuộc tọa đàm với học sinh lớp 12 trường THPT Việt Đức (Hà Nội, ngày 27/11), đại diện Bộ Giáo dục trao đổi về một số điều chỉnh trong phương án thi, nhưng mới là dự kiến.
"Chúng tôi hoang mang khi 7 tháng nữa là diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, song hiện vẫn chưa biết phương án thi thế nào. Nhà trường, học sinh lúng túng trong lựa chọn phương án dạy - học phù hợp", TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô (Hà Nội) chia sẻ trong một hội thảo.
Hiệu trưởng Quân nhắc lại việc cuối tháng 9, giải trình với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói "kỳ thi THPT quốc gia 2019 có mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, trọng tâm đề nằm trong lớp 12". Sau câu nói đó, các nhà trường và giáo viên hiểu là kỳ thi trở về nguyên dạng thi tốt nghiệp THPT như trước. Thế nhưng tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, Bộ trưởng lại phát biểu "kỳ thi nhằm xét tốt nghiệp THPT và căn cứ xét tuyển đại học".
Nếu đề thi THPT có cả kiến thức lớp 10 đến 12 như đại diện Bộ Giáo dục nói, theo ông Quân, sẽ là gánh nặng với học sinh và giáo viên. Bởi trừ Ngữ văn, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm với nội dung kiến thức không giới hạn trong chương/phần nào của sách giáo khoa. Để đạt kết quả tốt, thầy và trò phải ôn tập rải đều kiến thức của cả ba khối cấp THPT.
Một giáo viên lớp 12 ở Hưng Yên bày tỏ bức xúc khi Bộ Giáo dục liên tục khẳng định "sẽ điều chỉnh một số điểm trong phương án thi", nhưng cụ thể thế nào thì chưa rõ. "Việc chậm trễ thông tin gây áp lực tâm lý lớn cho cả người dạy và người học", cô giáo nói và mong muốn sớm được thông tin về phương án thi, phạm vi kiến thức để có kế hoạch ôn tập cho học trò.
Theo tiêu chí "đánh nhầm còn hơn bỏ sót", hiện cô vừa dạy kiến thức lớp 12 theo đúng phân phối chương trình, vừa tổng hợp, ôn tập kiến thức các năm trước cho học sinh. "Bộ Giáo dục cần đưa ra kế hoach dài hạn cho phương án thi THPT quốc gia các năm sau, tránh thay đổi nhiều làm học sinh, phụ huynh và giáo viên bối rối", cô giáo nói.
Học sinh chờ đợi
"Em nghe nói có dự thảo tách kỳ thi THPT quốc gia làm hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học", một học sinh lớp 12 của trường THPT chuyên ở Hà Nội nói và cho biết đến nay vẫn không hiểu kỳ thi em và bạn bè coi là "quan trọng nhất đời học sinh" sẽ được tổ chức thế nào.
Dịp đầu năm học, nghe thông tin kỳ thi THPT quốc gia sẽ có một số điều chỉnh sau gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nữ sinh này cùng bạn bè rất lo lắng. Để đảm bảo cho việc thi THPT quốc gia được tốt nhất, dù theo phương án nào của Bộ, học sinh và giáo viên trường em đang song song học kiến thức lớp 12 xen kẽ nhắc lại nội dung lớp 10, 11.
"Việc ôn thi đại học thường bắt đầu từ giữa lớp 11, hè lớp 12 nên phương án thi tốt nhất nên được thông báo ở thời điểm đó để học trò chủ động học. Thời điểm này đã là quá muộn", nữ sinh nói.
Một nữ sinh ở trường THPT công lập ở Hà Nội cũng căng thẳng không kém khi chưa biết thông tin chính thức về kỳ thi mà em sẽ phải cạnh tranh để lấy điểm xét tuyển đại học. Nữ sinh dùng điểm của tổ hợp khối D để xét tuyển vào một trường tốp và thi tổ hợp môn xã hội để xét tốt nghiệp THPT. Từ hè lớp 12, em đã đi học thêm kín các tối để đảm bảo không bị hụt kiến thức lớp 10, 11.
Theo nguồn tin từ Bộ Giáo dục, phương án thi THPT quốc gia 2019 với những điều chỉnh cụ thể đang chờ lãnh đạo cấp trên cho ý kiến rồi mới công bố.