Trong một cuộc họp gần đây của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhiều hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT trường THPT đề xuất đổi mới tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi đầu vào THPT của Hà Nội vài chục năm nay chỉ với hai môn Toán, Văn, theo các nhà quản lý giáo dục, không còn phù hợp và gây ra tình trạng học lệch. Ở nhiều tỉnh thành như TP HCM, Thái Bình, Nghệ An, Hải Phòng... thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm qua đều có môn thứ ba là Ngoại ngữ hoặc Sử, Địa...
Trao đổi với VnExpress ngày 18/1, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) - Hà Xuân Nhâm cho biết, chất lượng học tập các môn khác Toán, Văn của nhiều lứa học sinh lớp 10 những năm qua chưa tốt. Khi đón học sinh vào học, nhà trường phải cho các em ôn tập, hệ thống lại kiến thức bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa... trước khi dạy nội dung của cấp THPT.
"Việc chỉ thi THPT với hai môn Toán, Văn là một phần nguyên nhân khiến học sinh học lệch. Các em chỉ chú ý đến những môn phải thi để xét điểm tuyển sinh", Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú nói. Khi học sinh chỉ học để thi sẽ dẫn đến việc không có hệ kiến thức nền cần thiết để phát triển những kiến thức khác hoặc giải quyết vấn đề liên môn.
Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức - Nguyễn Quốc Bình cũng chỉ ra thực trạng nhiều năm nay học sinh vào lớp 10 bị thiếu hụt, hoặc không nắm vững kiến thức các môn ngoài Toán, Văn. Các giáo viên dạy Vật lý, Hóa học, Sinh học... đã rất vất vả để học sinh hiểu được kiến thức mới. Bởi lẽ, chương trình các môn học hiện nay được bố trí theo cấu trúc đồng tâm, nội dung ở THPT là sự nâng cao của kiến thức đã được học tại cấp THCS.
Một học sinh lớp 10 của trường THPT có tiếng ở Hà Nội cũng thừa nhận em và hầu hết bạn học cùng lớp 9 chỉ chú tâm học Toán, Văn bởi áp lực thi đỗ vào THPT - một kỳ thi được đánh giá là "căng thẳng hơn thi đại học". Bản thân giáo viên các bộ môn khác ở trường THCS cũng tạo điều kiện cho học sinh học nhiều hơn hai môn thi vào cấp ba. "Các thầy cô đều cho điểm khá dễ, để kết quả trong học bạ của chúng em được đảm bảo, giúp học sinh được cộng nhiều điểm khi xét tuyển vào lớp 10", nam sinh này chia sẻ.
Đề xuất thi thêm môn thứ ba
Theo Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Hà Xuân Nhâm, Hiệu phó THPT Lý Thái Tổ - Tạ Thu Hương, nên thi thêm môn Ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh lớp 10. Môn học này là công cụ quan trọng và cần thiết cho học sinh trong giai đoạn mới. Những năm sau đó, có thể đưa thêm nội dung các bộ môn khác theo định hướng bài thi tổng hợp đánh giá năng lực của các em.
Hiệu trưởng THPT Việt Đức đề xuất thay đổi từng năm môn thi thứ ba và chỉ thông báo môn thi này cho học sinh khoảng 3 tháng trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10. "Như thế, trong suốt quá trình học ở THCS, các em sẽ phải học đều các môn để khi môn thứ ba rơi vào bất cứ môn học nào, cũng sẵn sàng làm bài tốt", Hiệu trưởng Bình phân tích và khẳng định cách này sẽ tránh được tình trạng học lệch và giúp đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Việc thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10, theo các nhà quản lý giáo dục, có thể thực hiện từ năm học 2019-2020, có lộ trình và kế hoạch dài hơi để học sinh, phụ huynh, các nhà trường có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý và kiến thức. Kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019 đã cận kề, không nên có sự thay đổi vì dễ làm dư luận hoang mang.
Năm 2018, Hà Nội dự kiến số thí sinh thi vào lớp 10 tăng hơn 24.000 so với năm 2017, do tăng dân số cơ học. Trong khi, thành phố chỉ đảm bảo được khoảng 60-70% học sinh vào trường THPT công lập. Tỷ lệ chọi vào lớp 10 năm nay do đó sẽ cao hơn mọi năm.
Phó giám đốc Sở Giáo dục Phạm Văn Đại khẳng định vẫn giữ nguyên phương án thi 2 môn Toán, Văn cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Việc thêm môn thi đầu vào THPT đang được Sở nghiên cứu, khảo sát. Môn thi thứ ba có thể không chỉ là Ngoại ngữ mà là tổ hợp nhiều môn, để hướng tới việc thúc đẩy học sinh học tập toàn diện.