Phó giáo sư nổi tiếng của một trường đại học thuộc tốp đầu Việt Nam trong đợt xét công nhận chức danh giáo sư năm 2010 đã bị đánh trượt ở vòng bỏ phiếu kín của hội đồng ngành. Hồ sơ của ông trước đó được các nhà khoa học đánh giá là xuất sắc khi vượt chuẩn vì có nhiều nghiên cứu, bài báo quốc tế... Ông không được giải thích còn thiếu tiêu chuẩn gì.
Theo PGS Ngô Tứ Thành (Đại học Bách khoa Hà Nội), trường hợp trên không hiếm. Nhiều hồ sơ khoa học đẹp bị "trượt oan ức" ở vòng bỏ phiếu kín của các hội đồng. Bởi theo quyết định 174 năm 2008, vòng thẩm định hồ sơ, xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư và phó giáo sư, hội đồng ba cấp (cơ sở; ngành, liên ngành và nhà nước) sẽ biểu quyết tín nhiệm bằng phiếu kín.
Cách thức bỏ phiếu này, theo ông Thành, có hạn chế lớn là người thực hiện không chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình nên có thể đưa ra quyết định cảm tính hoặc vì lợi ích nào đó. "Điều quan trọng nhất là người bị trượt không biết mình chưa đạt tiêu chuẩn nào để tiếp tục phấn đấu. Họ phải đến hỏi từng thành viên trong hội đồng và dễ dẫn đến tiêu cực", ông phân tích.
Một giáo sư trường đại học nổi tiếng khác cho biết, có trường hợp ứng viên bị "chơi xấu" là nhắn tin nặc danh tố cáo trước giờ hội đồng chức danh giáo sư nhà nước bỏ phiếu kín. "Khoa học không phải là chính trị, nếu ai đó đủ thang bậc, tiêu chuẩn thì phải công nhận người đó là giáo sư, phó giáo sư, chứ không thể vì bỏ phiếu theo cảm tính", ông nói và nhấn mạnh cần thay đổi cách bỏ phiếu tín nhiệm từ kín sang công khai, có giải thích rõ ràng lý do cho ứng viên.
Việc Hội đồng Chức danh nhà nước với 31 thành viên ở 28 lĩnh vực bỏ phiếu kín để xét công nhận ứng viên của ngành họ không hiểu biết, nhiều nhà khoa học cũng cho là phi lý, cần thay đổi.
Thiếu quy định rõ ràng trong tính điểm công trình khoa học
PGS Trần Văn Tớp (Đại học Bách khoa Hà Nội) chỉ ra khâu có nhiều quyết định cảm tính trong lựa chọn ứng viên giáo sư, phó giáo sư là tính điểm quy đổi. Thông tư 16 năm 2009 hướng dẫn lượng hóa các tiêu chí về bài báo khoa học được công bố, sách phục vụ đào tạo đã xuất bản, đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu... của ứng viên. Tuy nhiên, văn bản này đặt ra dải điểm từ 0 đến 2 hoặc 0 đến 1,5... cho từng tiêu chí mà không có barem cụ thể. Việc cho điểm như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính của người chấm.
"Với trình độ, cách nhìn của mỗi người, một báo cáo khoa học có thể là bình thường, tốt hoặc xuất sắc. Điểm số họ chấm cho bài báo ấy do đó sẽ chênh lệch, dựa theo cảm tính cá nhân. Vậy sao chúng ta không đưa ra thang điểm rõ ràng, ví dụ bài báo ISI thuộc nhóm Q1 được a điểm, nhóm Q2 được b điểm... để người chấm cho chính xác, tường minh", ông Tớp nói.
Số ứng viên năm 2017 đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư theo từng độ tuổi.
Một giáo sư ngành y cũng cho rằng, người chuyên về nhãn khoa không thể thẩm định sách chuyên khảo của ứng viên chuyên về tim là tốt hay không để cho điểm từ 0 đến 3. Ngoài ra, việc tính điểm bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế cần có ranh giới vì "một người có hàng trăm bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước, nhưng không thể làm nổi một bài trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus vì có quá nhiều tiêu chí khắt khe". Ông từng mất 3 năm để sửa bài báo của mình mới đáp ứng tiêu chí của tạp chí khoa học quốc tế.
Giáo sư Vũ Tuấn (nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng cần định ra tiêu chuẩn nghiêm túc với thang điểm rõ ràng cho các công bố trong nước và quốc tế. "Ứng viên công bố bài báo khoa học trên tạp chí thuộc mình quản lý thì cần xem xét kỹ chất lượng sản phẩm như thế nào", ông Tuấn nói và đề xuất đưa bài báo quốc tế ở tạp chí khoa học uy tín làm tiêu chuẩn bắt buộc để được xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Trước đó, một báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Việt Nam có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ, nhưng "kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN". Trong 10 năm (1996-2005) các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/4 so với Singapore.
Trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Số lượng tạp chí khoa học có mã chuẩn quốc tế ISSN xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng Anh ở nước ta cũng "khiêm nhường".