Là giáo viên một trường THCS tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), từ bé Vân đã nói ngọng "n, l" như bao người khác sống cùng quê. Học hết cấp 3, Vân chưa ý thức về lỗi phát âm đó, chỉ biết rằng hay viết sai chính tả "n, l".
Thời gian đầu học Đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La), mỗi khi Vân nói chuyện lại thấy các bạn ôm miệng cười mà không hiểu vì sao. Mãi về sau cô mới biết cách mình phát âm "nghe lói" (nghe nói), "luột là" (nuột nà); "Hà Lội" (Hà Nội)... là lý do gây cười.
"Từ lúc đó, tôi ý thức phải nói đúng n, l để tránh bị chế giễu, cũng là cách giúp học sinh sau này không rơi vào tình cảnh xấu hổ vì phát âm sai như cô giáo", cô Vân nay đã 33 tuổi, nói.
Ngày đó cô Vân tự tập cách phát âm "l" uốn lưỡi, "n" thẳng lưỡi; nói nhiều lần các câu: Nồi đồng nấu ốc nồi đất nấu ếch; Lúa nếp là lúa nếp làng/ Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng... Trong giao tiếp, cô Vân cũng ý thức hơn khi nói những từ có âm "n, l", cố gắng nói chậm để không bị lẫn lộn.
Sau một thời gian luyện tập, cô đã hạn chế hẳn việc phát âm sai, viết chính tả chuẩn hơn. Tuy nhiên, khi trở về quê công tác, cô lại bị tái ngọng do tiếp xúc thường xuyên với những người lớn có tật này.
"Dạy học ở trường THCS xã bên, nơi học sinh không bị nói sai n, l, tôi nhiều lần bị cười vì phát âm lẫn lộn hai phụ âm này. Lúc đầu tôi xấu hổ lắm nên lại luyện nói chuẩn, nhưng vẫn chưa được. Tôi phải thú nhận mắc tật lẫn n, l, đang cố gắng sửa để các em thông cảm", cô Vân nói.
Cũng sinh ra ở vùng quê bị phát âm sai "l" thành "n" tại tỉnh Thái Bình, Minh Anh (30 tuổi) khi học Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn bị nói "con lợn" thành "con nợn". Cô được giảng viên liên tục nhắc nhở công việc đứng lớp giảng dạy cần sự chuẩn chỉ từ đạo đức lối sống, kiến thức và cả cách nói năng, phát âm. Bởi một giáo viên nói ngọng có thể ảnh hưởng đến nhiều học sinh.
Nhận thức rõ hệ luỵ của việc giáo viên phát âm sai, Minh Anh lên mạng tìm hiểu phương pháp chữa ngọng "n, l" bằng cách đặt lưỡi, đưa luồng hơi ra đúng vị trí. Hiện cô gần như không mắc lỗi này, trừ lúc nói nhanh không kiểm soát.
Làm giáo viên tiểu học ở quê, Minh Anh đem kiến thức, kinh nghiệm mình có để dạy cho học sinh phát âm đúng "n, l". Trong các tiết tập đọc, việc đầu tiên cô làm là hướng dẫn các em phân biệt ngữ cảnh sử dụng, nghĩa của từ có âm đầu là hai chữ cái đó. "Mặt khác, tôi đọc chuẩn và yêu cầu học sinh nghe, viết chuẩn chính tả các từ có âm đầu n, l. Bản thân hiện vẫn luyện nói những từ nói năng, lo lắng, nói lầm, lưu loát... để sửa tật", cô Minh Anh chia sẻ.
Một giáo viên tiểu học ở khu vực người dân thường xuyên phát âm sai "n, l" thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng áp dụng phương pháp "đặt lưỡi thẳng khi nói "n", lưỡi bật cong khi nói "l" và luyện các câu có nhiều chữ cái này để sửa lỗi cho bản thân và học sinh. Câu luyện sửa phát âm nằm lòng của cô là:
Nói năng nên luyện luôn luôn.
Nói lời lưu loát luyện luôn lúc này.
Lẽ nào nao núng lung lay.
Lên lớp lú lẫn lại hay nói lầm.
Nói ngọng "l, n" phổ biến ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, các tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng... Tại Hà Nội, ý tưởng sửa ngọng hình thành từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội; bắt đầu thí điểm chương trình phát âm chuẩn ở các trường tiểu học huyện Phú Xuyên từ năm 2009, mở rộng ở 13 huyện ngoại thành từ năm 2011. Nhưng đến 2015, chương trình không còn là bắt buộc, chỉ nhắc nhở thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội), người lập kế hoạch, chương trình đạt kết quả khả quan, mỗi năm giảm 2-10% số học sinh, giáo viên bị ngọng. Tuy nhiên, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ chuẩn hóa giọng Hà Nội vì việc này đòi hỏi phải làm lâu dài, 10 năm vẫn là "quá ngắn ngủi".