Dù cuối buổi học thứ sáu mới diễn ra Đại hội chi đội lớp nhưng từ đầu tuần, cô Yến (30 tuổi, giáo viên một trường THCS ở quận 5, TP HCM) đã nhận được mẫu biên bản đại hội từ trường. Tờ biên bản chi đội lớp 8 đã ghi sẵn nội dung đại hội thông qua các chương trình, chỉ trống danh sách ban chỉ huy chi đội.
Theo nội dung dự kiến, ngoài nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm học còn hơn 10 phong trào khác: kế hoạch nhỏ; nụ cười hồng; văn thể mỹ; thực hiện công trình măng non cấp thành phố, cấp quận, cấp trường...
"Gọi là dự kiến, phải biểu quyết thông qua, nhưng tất cả đã được cấp trên sắp xếp rồi, cứ thế mà thực hiện. Giáo viên chủ nhiệm ngán nhất là các phong trào của trường bởi nó rất hình thức, triền miên trong năm và tốn nhiều thời gian", cô Yến chia sẻ.
Các phong trào này, theo cô Yến, bản chất là tốt nhưng đang trở thành cuộc ganh đua thành tích đè nặng lên giáo viên lẫn học sinh. Chẳng hạn phong trào kế hoạch nhỏ với mục đích xây dựng cho học sinh có ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường để quyên góp tiền cho các bạn nghèo khó thì nay biến thành cuộc đổi chác "dùng tiền thay hiện vật". Gọi là tự nguyện nhưng mỗi học sinh được giao chỉ tiêu ít nhất là ba ký giấy vụn hoặc lon bia, nước ngọt.
Nhiều em nhà không có giấy vụn phải nhờ cha mẹ tìm giúp, người lớn loay hoay không kiếm được đành mua từ người bán ve chai cho con mang lên trường nộp. Thấy học sinh mang "ve chai" lên trường vất vả, tổng phụ trách trường gợi ý mỗi em nộp 9.000 đồng thay cho ba ký giấy vụn. Chỉ cần phụ huynh cho tiền nộp đủ thì xem như đã hoàn thành kế hoạch nhỏ.
"Chuyện này diễn ra bao năm nay rồi, bây giờ hầu như không còn em nào đi gom giấy báo, lon nước lên nộp nữa mà mang tiền nộp cho nhanh. Biết là hình thức nhưng sao trường nào cũng duy trì hoạt động này?", cô giáo than thở. Với mỗi chương trình đó, buổi sinh hoạt đầu giờ nào giáo viên cũng phải nhắc nhở học sinh nộp tiền đầy đủ để hoàn thành chỉ tiêu trong khi còn nhiều việc khác quan trọng hơn cần dặn dò.
Ngay cả những hoạt động rất nhân văn như quyên góp tiền cho hoạt động nhân đạo, cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiên tai cũng đang "biến tướng" chạy theo bệnh thành tích, khoa trương. Sau mỗi đợt quyên góp, trường tặng những danh hiệu "heo chiến sĩ, heo hiệp sĩ" cho học sinh đóng góp nhiều tiền, thường từ vài trăm nghìn đồng trở lên và phần lớn em này gia đình khá giả.
Trong khi đó, nhiều em khác nhà nghèo, phải tiết kiệm tiền ăn sáng góp quỹ giúp bạn. "Vô tình chương trình nhân đạo lại làm tổn thương học sinh khi phân chia khoảng cách con nhà giàu, con nhà nghèo? Ý nghĩa nhân văn của phong trào cũng chẳng còn vì nhiều em chẳng cần tiết kiệm tiền mà về xin ba mẹ là có".
Chưa kể với các phong trào trong năm, dù không thông báo chính thức song mỗi lớp đều tự biết chỉ tiêu "sàn" phải đạt được. "Khi thấy lớp bạn đóng góp nhiều mà lớp mình ít quá cũng lo ngại, bởi nó liên quan đến thi đua cuối năm của lớp và cá nhân giáo viên nữa. Nhiều lúc tôi bỏ tiền túi bù thêm vào", cô giáo kể và cho biết, nhiều đồng nghiệp cũng làm tương tự.
Cầm tờ "nghị quyết đại hội chi đội" với danh sách phong trào: thi đua học tốt, chăm ngoan, giúp bạn..., cô Nga (32 tuổi, giáo viên trường THCS ở quận Gò Vấp) thấy buồn. Học kỳ một năm nào cũng dồn dập hoạt động. Tháng 11 có ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là lúc giáo viên "vắt chân lên cổ" chạy chỉ tiêu phong trào.
Về hình thức thì các phong trào của học sinh do chi đội thực hiện. Song do các em còn nhỏ, không biết cách tổ chức nên giáo viên phải hướng dẫn. Mặt khác, hầu hết hoạt động đều liên quan quỹ nên giáo viên phải biết và chịu trách nhiệm.
Năm ngoái, chỉ tiêu phong trào kế hoạch nhỏ của mỗi lớp là 500.000 đồng trên tinh thần tự nguyện. Tổng kết chương trình, học sinh góp khá ít, nhiều em khó khăn không góp nên cô giáo bỏ hơn 100.000 cho đủ để nộp về trường. "Dẫu biết không đúng, nhưng tôi phải làm vậy để hoàn thành nghĩa vụ sớm chừng nào hay chừng nấy. Chẳng lẽ vì tiền mà ngày nào lên lớp cũng ra rả nhắc các em thì không hay chút nào", cô nói.
Hơn 10 năm dạy học, cô giáo rất thương trò khi phải tham gia hàng loạt cuộc thi tìm hiểu trong năm, mà phần lớn học sinh sao chép bài viết sẵn có để nộp chiếu lệ. Phong trào Hoa điểm 10 mà nhiều trường thực hiện cũng trở nên màu mè, hình thức khi nhiều giáo viên buông lơi chấm điểm kiểm tra trên lớp để mang về "hoa" nhiều hơn cho lớp mình.
Cô Nga than ngoài lịch dạy học trong năm dày đặc, gánh thêm phong trào cho học trò thì còn phải chạy phong trào thi đua cho chính mình như dạy tốt, đổi mới cách dạy học, áp dụng công nghệ trong giảng dạy... "Hễ phong trào có tính thi đua là có biến tướng. Ai cũng nhận ra nhưng không ai chịu thay đổi, không mạnh dạn buông bỏ", cô Nga nói, giọng bức xúc.
Theo nữ giáo viên này, nếu ngành giáo dục không sớm lọc những phong trào đã bị biến tướng, chạy theo hình thức trong trường sẽ tác hại lớn cho công tác trồng người. Ngoài sự tốn kém tiền bạc, thời gian của giáo viên, phụ huynh, học sinh, thiệt hại hơn nữa là trò bị tiêm nhiễm bệnh thành tích, tính qua loa chiếu lệ.
Trước đó cuối tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn tới các Sở Giáo dục, trường phổ thông trực thuộc bộ, yêu cầu tinh giảm cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. Bộ chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức. Đến giữa tháng 8, sau khi rà soát, Bộ quyết định dừng không đồng tổ chức cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng từ năm học 2017-2018. |
*Tên giáo viên được thay đổi.
*Bài chia sẻ gửi về Giaoduc@vnexpress.net