Theo The Atlantic, học trực tuyến đã có bước tiến dài kể từ năm 2000. Tính từ năm 2002 đến 2016, số sinh viên Mỹ đăng ký ít nhất một khóa trực tuyến đã tăng từ 1,6 triệu lên hơn 6 triệu (tăng hơn 4 triệu người).
Dù vậy, không gian chung cho người học là ưu điểm không thể thay thế của trường học truyền thống. Nhận ra được điều này, một số chương trình học trực tuyến đang cố gắng kết hợp với các yếu tố của trường học truyền thống.
Giảng đường trở thành “sân chơi chung”
Gần đây, nhà cung cấp chương trình học trực tuyến 2U đã hợp tác với WeWork, một công ty chia sẻ không gian làm việc, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên sử dụng địa điểm để làm bài kiểm tra hay gặp gỡ các nhóm nghiên cứu. Sinh viên trực tuyến có thể đăng ký học tại các trường như Georgetown và USC.
Cũng theo The Atlantic, Richard DeMillo, giám đốc điều hành trung tâm công nghệ cho đại học thế kỷ 21 của viện Georgia cho rằng một số giảng đường truyền thống sẽ dần trở thành "sân chơi chung". Các trường sẽ kết hợp những gì tốt nhất của học trực tuyến với tinh túy của học truyền thống, như 2U đang làm với WeWork.
Giám đốc cho biết nhờ việc gộp chung hai hình thức học, một số học viên tham gia khóa học về khoa học máy tính qua mạng được đặt chân tới trường đại học lần đầu tiên.
“Sinh viên không hề gặp vấn đề gì khi trải nghiệm cả hai hình thức online và offline bởi vì họ là thế hệ hiểu rõ công nghệ số hơn ai hết. Ngoài ra, họ muốn gặp tận mặt những giáo sư đã gặp qua video”, DeMillo nói.
Mô hình kết hợp thay đổi trải nghiệm trên giảng đường truyền thống
Năm 2014, Stanford đã tài trợ cho dự án xây dựng mô hình “trải nghiệm giáo dục trọn đời”của sinh viên, nhằm đánh giá tương lai giáo dục đại học vào năm 2025. Mô hình bao gồm cả trực tuyến và trên lớp. Chương trình “đại học mở” này cho phép các sinh viên trong 6 năm có thể học bất cứ lúc nào. Sinh viên có thể học 2 năm rồi đi làm và sau đó quay lại hoàn thành chương trình vài năm sau.
Không chỉ Stanford, một số trường đại học khác cũng đang nghĩ tới những hướng tương tự. Gần đây, MIT, Penn và Boston và một số trường đã khởi xướng một loại bằng trực tuyến gọi là “MicroMasters”.
Bằng này cho phép học viên có thể quy đổi chương trình trực tuyến ra tín chỉ. Như vậy, người học có thể tiếp tục các chương trình bậc sau đại học tương ứng ở các trường đối tác. Khi giới thiệu chương trình này năm 2015, MIT mong đợi 200.000 sinh viên ghi danh nhưng chỉ trong 9 tháng đầu đã có hơn 1,3 triệu người đăng ký.
Thử nghiệm kết hợp giữa trực tuyến và trên lớp đã làm thay đổi trải nghiệm của những người học tại các giảng đường truyền thống. Tờ The Atlantic cho biết 75% trong số 56.000 sinh viên tại đại học Central Florida tham gia ít nhất một lớp trực tuyến cùng lúc với các khóa học tại chỗ. Gần 1/3 các lớp của trường đại học diễn ra trên mạng, giúp nhà trường không phải xây thêm ít nhất 5 khu giảng đường.
Với hoạt động đào tạo trong các doanh nghiệp, sự phân chia giữa học trực tuyến và trực tiếp cũng rất mờ nhạt. Xerox, tập đoàn về kỹ thuật in ấn ở Mỹ là 1 ví dụ. Vào thập kỷ 70, công ty xây một trường lớn ở ngoại ô Washington để đào tạo nhân viên. Có khoảng 1.800 lao động đến đây học mỗi tuần. Năm 2000, Xerox đã bán trường và chuyển sang các chương trình đào tạo trực tuyến.
Cựu quản lý đào tạo toàn cầu tại Xerox, John Leutner cho rằng cách sắp xếp này tiết kiệm chi phí cho công ty, giữ chân nhân viên vì giúp họ chủ động thời gian và địa điểm học.
Khi nền kinh tế tiếp tục đòi hỏi ngày càng nhiều lao động, việc mở rộng cơ sở vật chất của các khu giảng đường là không khả thi. Bên cạnh đó, các bằng cấp trực tuyến lại chưa chiếm được thị phần, một số chưa đáp ứng yêu cầu pháp lý. Sự kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống là giải pháp hiệu quả cho cả hai yếu tố trên.
Nguyễn Thùy (theo The Atlantic)