Ngày nay, thông qua smartphone, sinh viên có thể truy cập các video tương tác, sách giáo khoa, các lớp học theo yêu cầu với chương trình học tập tùy chỉnh, hay những bài học chất lượng từ một số trường đại học lớn trên thế giới.
Hệ thống giáo dục truyền thống đang có những chuyển mình mạnh mẽ. Cả sinh viên và nhà giáo dục đều tận dụng sự tiện lợi, yếu tố cá nhân hóa và tốc độ trên các sản phẩm giáo dục do các công ty công nghệ cung cấp.
Một trong những sản phẩm edtech phát triển mạnh nhất là các khóa học trực tuyến đại chúng mở MOOC. Chính phủ Ấn Độ đặt hy vọng lớn vào các khóa MOOC. Trong năm 2016, Bộ Phát triển nguồn lực Ấn Độ đã khởi động sáng kiến Swayam, cung cấp hơn 200 khóa học điện tử. Dự kiến, trong 2-3 năm tới, 10.000 khóa học điện tử khác sẽ tiếp tục được triển khai.
Ông Nikhil Barshikar - người sáng lập Imarticus Learning, cho biết: "Số lượng sinh viên đăng ký học trực tuyến đang tăng hơn 70% mỗi năm, các khóa học trực tuyến cung cấp sự linh hoạt, tiện lợi và tùy biến tuyệt vời". Ông cũng cho biết, các khóa học trực tuyến ngày càng phổ biến trong giới sinh viên, giúp họ nâng cao những kỹ năng liên quan đến ngành mà chúng không có sẵn trong chương trình đại học thông thường.
Theo đó, các khóa học trực tuyến đã thay đổi cách đào tạo và học tập truyền thống. Nhiều nhà tuyển dụng cũng công nhận kết quả của chương trình học trực tuyến và phát hiện nhiều nhân tài từ nguồn đào tạo này.
Dữ liệu lớn (Big Data) và Phân tích (Analytics) cũng tạo ra những tác động mạnh mẽ trên các lĩnh vực có liên kết chặt chẽ với ngành giáo dục. Sự sẵn có của dữ liệu đã dẫn đến sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, các khoản vay sinh viên thường được coi là "vùng độc quyền" của các ngân hàng nhưng giờ đây, nhiều công ty khởi nghiệp edtech đã bắt đầu xâm nhập vào lĩnh vực này.
"Nhờ phân tích dữ liệu của sinh viên, các công ty có thể cung cấp các khoản vay trực tuyến và quá trình hoàn thành này trong vòng chưa đầy 8 giờ", Varun Chopra - người đồng sáng lập Eduvanz - một nền tảng kỹ thuật số sử dụng dữ liệu phân tích trong phân khúc vay của sinh viên cho biết.
Các công ty edtech đã xây dựng những sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số để đảm bảo mọi sinh viên đều có tài nguyên, cơ hội để phát triển nghề nghiệp theo thế mạnh và khả năng của họ.
Trong khi học tập và đào tạo trực tuyến khiến các sản phẩm giáo dục truyền thống như phấn, bảng viết bị ảnh hưởng, thì công nghệ lại giúp giải quyết sự phân tán trong ngành giáo dục tại quốc gia rộng lớn này. Internet phát triển nhanh hơn và phổ biến tại các khu vực khác nhau, do đó, các công ty edtech có thể đáp ứng nhu cầu của các hội đồng giáo dục khác nhau.
Bằng cách xây dựng những hệ sinh thái như vậy, các công ty công nghệ đã gặt hái thành công lớn trong các lĩnh vực như dạy kèm trực tuyến, giảng dạy và kiểm tra trực tuyến. Từ đó, họ có thể tiếp cận với lượng đối tượng rộng hơn bao gồm các sinh viên ở các trường cấp II - III trong thành phố, nơi có sẵn các cơ sở vật chất tốt, giảng viên giỏi và đưa các sản phẩm công nghệ vào trường học.
Với hơn 145,5 triệu USD được đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, Ấn Độ hy vọng công nghệ giáo dục còn non trẻ sẽ nhanh chóng có bước tiến với quy mô lớn
"Chúng tôi sẵn sàng trở thành đất nước trẻ và có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Chúng tôi tin rằng có thể đào tạo sinh viên một cách tốt nhất, giúp họ khám phá hết tiềm năng. Dân chủ hóa việc tiếp cận giáo dục với sự tham gia của công nghệ là bước đầu để hướng tới cách mạng hóa ngành giáo dục Ấn Độ", Varun khẳng định.
Hiền Mai (theo Inc42)
Ứng dụng công nghệ là xu hướng chung của giáo dục trên thế giới. Là trường học trên nền tảng Cloud, Đại học trực tuyến FUNiX tiên phong về công nghệ giáo dục tại Việt Nam với cách học hoàn toàn trực tuyến, cho phép sinh viên học từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Đại diện FUNiX khẳng định: các ứng dụng công nghệ tiến bộ như AI, Big Data, IoT… sẽ trở thành tương lai của nền giáo dục toàn cầu.