Với kinh nghiệm làm quản trị dự án phần mềm tại FPT Software và trực tiếp tuyển dụng nhiều lập trình viên, anh Bùi Quang Hiếu, mentor Đại học trực tuyến FUNiX sẽ bật mí những lưu ý với sinh viên công nghệ để có được công việc tốt khi ra trường. Theo đó, sinh viên cần chuẩn bị ngay trong quá trình học tập, tích luỹ kinh nghiệm và rèn luyện thái độ làm việc nghiêm túc.
Trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp
Kỹ năng chuyên môn tốt và ngoại ngữ thành thạo là những yếu tố tiên quyết giúp các công ty, tập đoàn công nghệ xem xét xem ứng viên có phù hợp không. Mentor Quang Hiếu chia sẻ: "Giao tiếp thông qua email trong FPT Software chủ yếu là tiếng Anh. Một người lập trình giỏi khi có khả năng giao tiếp, làm việc cùng khách hàng nước ngoài sẽ có cơ hội tiến xa và nhanh hơn". Để rèn luyện khả năng tiếng Anh, theo anh, sinh viên có thể học từ các kênh trên YouTube, thực hành nói, không cần quá tập trung vào ngữ pháp, có phương pháp học từ mới khoa học.
Lập trình là ngành khó nhưng lại thú vị nhất trong công nghệ thông tin. Để nâng cao kỹ năng lập trình, ban nên code càng nhiều càng tốt. Kinh nghiệm của mentor Quang Hiếu thời gian còn đi học là xin thêm bài tập các mentor về thực hành, hạn chế copy paste các dòng code, tự viết ra tất cả và xem thêm clip tutorial trên mạng.
"Khi mới ra trường, tôi thường xem các clip trên các web như usingweb.com, sau đó code nhiều cho thành thạo. Bạn cần kiên nhẫn, bắt đầu từ những việc nhỏ. Cơ hội có rất nhiều miễn là bạn có kỹ năng và vốn tiếng Anh tốt, chuyên gia chia sẻ.
Chuẩn bị sơ yếu lý lịch (CV) chỉn chu
Tìm việc và chuẩn bị CV là bước đầu tiên để bắt đầu nghề nghiệp. Theo mentor Quang Hiếu, một số nguồn tìm việc giúp các bạn sinh viên công nghệ thông tin có thể tận dụng là qua giới thiệu của người quen; các trang web như vietnamwork, vietnam24h, timviecnhanh; qua các group trên Facebook. Anh cho rằng, các bạn nên tự tin ứng tuyển tất cả những việc thấy phù hợp với bản thân.
Những lưu ý viết CV được mentor Quang Hiếu chia sẻ dưới góc độ của một nhà tuyển dụng lâu năm cho các bạn lập trình mới ra trường:
CV phải có tên: Các bạn có thể đặt tên CV là "tên mình - vị trí muốn ứng tuyển". Một file CV có tên "Nguyễn Văn A - Ứng tuyển Lập trình viên Java" sẽ luôn tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng hơn là CV chỉ có tên "CV" hay thậm chí không lưu tên.
Thông tin cơ bản, chuyên nghiệp: Ảnh trong CV không cần quá đẹp hay trau chuốt nhưng cũng không nên để ảnh selfie. Trong CV cần có những thông tin cơ bản: Tên, địa chỉ, email, số điện thoại để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn.
Kinh nghiệm làm việc: Bạn cần đưa các dự án mình đã làm vào CV. Nếu chưa từng đi làm, bạn có thể nêu ra những bài tập từng làm liên quan đến lập trình. Điều đó sẽ giúp nhà tuyển dụng có câu chuyện để chia sẻ cùng bạn.
"Đối với các bạn sinh viên học tại đại học FUNiX, những bài tập thực hành làm web, chương trình có thể đưa vào CV vì những yêu cầu của các assignment này cũng rất sát với công việc của các em", mentor Hiếu nhấn mạnh.
Phần kỹ năng: các bạn cần thành thật với những kỹ năng mình có mình biết. Những kỹ năng ấy có thể chưa được đánh giá cao nhưng lại giúp bạn thể hiện thái độ tốt trong vòng phỏng vấn để tạo hiệu ứng tốt với nhà tuyển dụng.
Thái độ tốt quyết định buổi phỏng vấn thành công
Trước khi tới cuộc phỏng vấn, bạn hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng xem họ muốn ứng viên có tố chất và thái độ như thế nào, từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân. Một số lưu ý khi đi phỏng vấn gồm:
- Trang phục chỉn chu lịch sự và gọn gàng: điều này không chỉ thể hiện bạn tôn trọng bản thân mà còn tôn trọng người đối diện.
- Chào hỏi trước khi bắt đầu và cảm ơn khi buổi phỏng vấn đã kết thúc.
- Những bạn còn ít kinh nghiệm, mới ra trường nhà tuyển dụng không yêu cầu quá cao về chuyên môn nhưng lại rất chú trọng tới thái độ, do đó, bạn phải lưu ý thái độ của bản thân trong suốt quá trình phỏng vấn.
- Thành thật khi trả lời phỏng vấn và thể hiện sự trân trọng và gắn bó với công việc.
Với tư cách là nhà tuyển dụng, mentor Quang Hiếu chia sẻ: "Tôi luôn đánh giá 60% là kỹ năng, 40% là thái độ. Kỹ năng chưa tốt mà thái độ tốt vẫn có thể đào tạo được, nhưng thái độ không tốt thì giỏi cỡ nào cũng khó thành công và hợp tác cùng nhau được".
Quản trị dự án tại FPT Software chia sẻ bí, dù ít kinh nghiệm nhưng bạn nên thể hiện mình là người không ngại khó, ngại khổ, mong muốn được làm việc để nâng cao trình độ.
Những chia sẻ cụ thể hơn của mentor Bùi Quang Hiếu sẽ xuất hiện trong chương trình xDay tháng 7 của Đại học trực tuyến FUNiX.
Với phương pháp học trực tuyến, sinh viên FUNiX học với bài giảng online trên các thiết bị số, đồng thời được mentor là các chuyên gia tại những tập đoàn công nghệ kèm cặp kiến thức suốt quá trình học. Ngoài ra, tại xDay - hoạt động định kỳ gặp gỡ các khách mời trong lĩnh vực công nghệ, sinh viên phát triển network nghề nghiệp cũng là điểm nhấn trong chương trình của FUNiX. Tìm hiểu thêm về chương trình học của FUNiX tại đây.
Hiền Mai