Mọi người thường cho rằng lập trình là dạng kiến thức phù hợp với trình độ của sinh viên đại học hoặc những người muốn học thêm kỹ năng thứ hai trong cuộc sống. Thực tế, nhóm người phù hợp để học lập trình lại trẻ hơn nhiều. Điển hình, trên thế giới, Bill Gates bắt đầu dùng máy tính từ năm 13 tuổi; Mark Zuckerberg bắt đầu lập trình khi học lớp 6...
Dưới đây là 5 lý do khuyến khích những người đam mê lập trình và công nghệ nên tiếp cận bộ môn này từ sớm.
Lập trình dạy tư duy logic
Một trong những giá trị mà việc học lập trình đem lại là học về tư duy logic. Gốc rễ của lập trình là giải quyết các vấn đề và thực hiện các đòi hỏi theo trật tự logic. Lập trình có nghĩa là yêu cầu máy móc phải thực hiện theo những logic bạn đưa ra, đây là tiền đề để bạn sắp xếp tư suy của bản thân.
"Vá lỗi" là một phần trong khi học lập trình. Cụ thể, khi chạy một chương trình và kết quả không như kỳ vọng, bạn sẽ phải tập trung tìm hiểu lý do vì sao code bị lỗi. Quá trình rà soát lần lượt từng vấn đề giúp bạn có tư duy logic và khả năng suy luận về những điểm có thể mắc sai lầm.
Mọi thứ trong lập trình rất rõ ràng. Một dấu chấm phẩy đơn giản có thể làm một chương trình chạy trơn tru hoặc cũng có thể tạo ra một thông báo lỗi. Điều này buộc bạn phải thật cẩn thận và tập trung. Đây là đức tính mà các bạn trẻ ngày nay cần có.
Ở mức độ cao hơn, thiết kế chương trình còn cần tới sự tính toán logic về bộ nhớ và cách sử dụng thời gian hiệu quả. Phát triển các dòng code vừa phức tạp mà vẫn gọn gàng là những nguyên tắc quan trọng có thể theo bạn suốt cuộc đời.
Mở rộng hiểu biết về máy tính và cuộc sống
Ngày nay, trẻ em lớn lên với thế giới công nghệ. Học cách dùng một chiếc iPad rất đơn giản nhưng để hiểu các công nghệ bên trong lại không phải là điều dễ dàng. Lập trình giúp cải thiện nền tảng kiến thức này.
Khi tự viết chương trình của mình, bạn hiểu về nền tảng ứng dụng, website hoặc những công cụ lập trình khác. Không chỉ tránh được những thiết kế tồi tệ, nó còn cung cấp cho bạn cái nhìn về bối cảnh thế giới xung quanh. Bạn sẽ hiểu những cấu trúc đằng sau những hoạt động công nghệ diễn ra hàng ngày quanh mình.
Lập trình cũng không phải là một hoạt động chuyên biệt. Học lập trình tạo cho bạn cơ hội giao tiếp với nhiều hệ thống khác như xây dựng một kênh truyền thông, sử dụng dịch vụ ngân hàng, lái xe ô tô, các sản phẩm gia dụng thông minh, mua sắm online… Với sự phát triển của công nghệ, nhiều thứ trong cuộc sống đều được kiến tạo bởi phần mềm và những lập trình viên chính là người viết những dòng lệnh để kiểm soát chúng.
Học cách phát triển từ thành quả của người khác
Trong lập trình, việc mượn code của người khác đôi khi là cần thiết. Việc này không bị xem là ăn cắp, thậm chí còn được khuyến khích. Nếu đã có người thiết kế những chức năng bạn cần, bạn sẽ không phải tốn thời gian để viết lại một đoạn code tương tự như vậy. Điều này dạy bạn cách khai thác hiệu quả những tài nguyên sẵn có cho công việc.
Trong môi trường lập trình chuyên nghiệp, hiếm khi lập trình viên chỉ code một mình mà luôn có sự phối hợp. Bạn sẽ dựa vào code của người khác để phát triển tiếp chương trình với các chức năng mới.
Kích thích sự sáng tạo
Say mê với những chương trình do mình viết ra là nguồn cảm hứng cho nhiều đứa trẻ sau giờ học.
Những bạn trẻ mê lập trình có thể kiểm soát các chức năng máy tính, thiết kế game, xây dựng một website... Bill Gates đã viết trò chơi Tic-tac-toe cho mình khi 13 tuổi, còn Mark Zuckerberg thì viết chương trình đầu tiên là trò chơi cho chị gái. Đó vừa là trò chơi, vừa là cơ hội để sáng tạo.
Càng trẻ, học hỏi càng nhanh
Trẻ em ngày càng tương tác với công nghệ nhiều hơn và nhiều hoạt động trong số đó dẫn tới tư duy lập trình.
Ví dụ, trò chơi Minecraft hiện nay được nhiều trẻ em yêu thích. Nó đòi hỏi tư duy và khả năng lên kế hoạch hiệu quả. Ngoài học cách xây nhà và những công trình khác trong Minecraft, trẻ em còn học được cả logic phức tạp như là tính toán các công cụ cần thiết. Thông thường, những đứa trẻ có tư duy nhanh nhạy như thế có tiền đề để theo đuổi nghề lập trình trong tương lai.
Nguyên Chương (theo Makeuseof)
Tại Việt Nam, Đại học trực tuyến FUNiX là môi trường giúp bạn bắt đầu sớm với lĩnh vực lập trình ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông.
Với ưu thế của cách học trực tuyến, nhiều sinh viên FUNiX đang là học sinh phổ thông, trẻ nhất là 13-14 tuổi. Chương trình học trực tuyến giúp các bạn trẻ được học và thực hành ngay lĩnh vực mình yêu thích, nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia từ các công ty công nghệ.
Hoàn thành chương trình học tại FUNiX, sinh viên được nhận Bằng kỹ sư Ngành kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) do Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận.