Yêu thích phát triển web, các ứng dụng, phần mềm, thiết kế game… là lý do khiến nhiều bạn trẻ tìm đến với lập trình. Là người tự mày mò học lập trình từ con số 0, Bạch Thanh Tuấn rút ra được không ít kinh nghiệm cho bản thân.
Dưới đây là những lưu ý của Bạch Thanh Tuấn, một Web Developer 26 tuổi tự học lập trình rồi trở thành sinh viên Đại học trực tuyến FUNiX khi vẫn đang làm việc trong ngành y tế. Hiện, Tuấn đảm nhận vị trí chuyên viên phát triển website tại một công ty công nghệ.
Định hướng nghề nghiệp cho bản thân
Bất kể là ngành nghề gì, nếu không có định hướng nghề nghiệp và hoạch định rõ ràng, con đường sau này bạn đi sẽ rất khó khăn và dễ nản lòng. Đó cũng là điều đầu tiên Tuấn nhắc nhở những ai bước chân vào con đường lập trình.
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y, bản thân Tuấn cũng đã lựa chọn học y. Tuy nhiên, sau một thời gian học thấy không hợp, anh chuyển hướng qua học công nghệ thông tin.
Thời gian đầu tự học là thời kỳ khủng hoảng và khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu, học cái gì, tương lai đi làm gì. Từ đó, Tuấn rút ra bài học đầu tiên trên con đường tự học lập trình là phải xác định những thứ mình cần học, từ đó xác định mình sẽ làm gì với lĩnh vực này trong tương lai.
Ví dụ, muốn trở thành lập trình viên, bạn cần xác định mình là lập trình viên mảng nào. Nếu là mảng Mobile, bạn cần học Java nếu theo android hoặc Ojective C, Swift nếu muốn theo IOS. Nếu muốn lập trình, cụ thể là mảng lập trình nhúng tức là viết các chương trình chạy trên các thiết bị điện tử thì bạn cần học ngôn ngữ C, C++ hoặc Java.
Kiên định và không từ bỏ
Khi lựa chọn hình thức học công nghệ thông tin online, Tuấn từng bị nhiều người ngăn cản, tuy nhiên, anh vẫn quyết định đăng ký học đại học online. Việc được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin của FPT Software tại FUNiX khiến anh kiên quyết theo đuổi đam mê này.
Thanh Tuấn cho biết, anh luôn thay đổi bản thân mình để thử những điều mới, như chuyển đổi từ việc xây dựng SQL Database đến tìm hiểu các về pointers trong C, học về Git. Anh không ngại thử thách và điều đó khiến tư duy lập trình của anh mở rộng hơn nhiều.
"Những cái trên có thể phù hợp với tôi, nhưng chưa chắc nó hợp với bạn. Quan trọng là đừng ngại thử những điều mới mẻ", Bạch Thanh Tuấn cho biết.
Lập trình không đơn giản
Khi mới bắt đầu, Tuấn từng nghe nhiều người nói học lập trình rất khó và sẽ không thể kiên trì nhưng anh không tin, bởi tin tưởng bản thân là người tư duy tốt. Nhưng mọi thứ không như Tuấn nghĩ, đã có lúc anh từng nản lòng muốn bỏ cuộc.
Tuấn chia sẻ: "Nếu bạn nghĩ lập trình khó theo đuổi, khi đó bạn sẽ tiếp cận nó với tâm thế khác. Nhưng nếu suy nghĩ tích cực, bạn sẽ cố gắng hơn. Khi gặp khó, bạn coi đó là điều đương nhiên, ít nản lòng hơn, thậm chí xác suất bỏ cuộc giữa chừng cũng thấp hơn. Thay vì thất vọng khi khó khăn, tôi đã hiểu ra nó là một phần của quá trình và điều đó khiến tôi đỡ đau đớn hơn. Đó là sự thật khi tôi không thể tìm ra một dấu chấm phẩy sau hơn 4 tiếng tìm kiếm vào lúc 3 giờ sáng".
Sẵn sàng trong mọi tình huống
Bạn có thể ngồi hàng tiếng, thậm chí vài ngày để code một chương trình, nhưng khi đã gần hoàn thành bạn phải bỏ hết và thay thế bằng một giải pháp khác nhanh, chính xác hơn. Điều này rất khó chấp nhận nhưng chắc chắn bạn sẽ gặp trường hợp này nếu học lập trình.
Bạn cần hiểu rằng lập trình thay đổi rất nhanh và có nhiều cách hay để tiếp cận các vấn đề. Tìm ra giải pháp mới là lý do của lập trình.
Nếu bạn tập trung vào giải pháp tốt nhất, nó sẽ giúp bạn giải quyết code dễ dàng hơn. Có lần, Tuấn dành 2 ngày xử lý flexbox cho một dự án nhưng đối tác kinh doanh quyết định không có tính năng đó sẽ tốt hơn cho chiến lược phát triển của họ. Dù không muốn thay đổi code, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, anh nhận ra đối tác đã đúng.
Học cái gì cũng được, miễn là bắt đầu
Sẽ có rất nhiều câu hỏi khi bạn tự mày mò học lập trình. Bản thân Tuấn đã chọn cái hứng thú và dễ nhất để bắt đầu. Điều quan trọng là bạn phải bắt đầu chứ không ngẫm nghĩ mãi. Anh cho rằng, mọi con đường đều giao thoa tại một điểm, các kỹ năng sẽ bổ trợ cho hành trình làm nghề sau này.
Bạch Thanh Tuấn cho biết: "Tôi rất thích lập trình trên mảng desktop app, tôi tự tìm tòi, học từ chính cộng đồng sinh viên FUNiX, cộng đồng sinh viên IT. Có rất nhiều mentor giỏi sẽ sẵn sàng hướng dẫn bạn. Sau một thời gian, tôi cho ra đời sản phẩm đầu tiên: Vnplan.net, một ứng dụng web giúp mọi người có thể quản lý công việc và các dự án của mình. Đó là dự án đầu tay. Tôi cứ làm rồi sửa, đây cũng là một cách giúp nâng cao tay nghề và thực hành. Khi ra mắt, có khoảng 70 người truy cập và làm việ với ứng dụng đó. Dù chỉ là một con số khiêm tốn, nhưng dự án cũng mang lại giá trị cho cộng đồng, và là động lực để tôi tiếp tục những dự án sau này".
Lập trình là nghề cho phép bạn sáng tạo, giải quyết vấn đề và thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Lập trình tuy khó, nhưng khi chinh phục được bạn sẽ cảm thấy rất xứng đáng với những gì đã bỏ ra.
Hiền Mai