Sau đợt công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, nhiều chuyên gia ngành Vật lý cảm thấy tiếc cho một ứng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo PGS Trần Văn Tớp (Hiệu phó nhà trường), ứng viên chức danh giáo sư này có nhiều bài báo đăng trên tạp chí danh tiếng trong danh mục ISI, Scopus. Ông miệt mài với các nghiên cứu ứng dụng chiếu sáng và đạt không ít thành tựu. Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở, ngành đã đề nghị xét đặc cách, tuy nhiên do thiếu điểm viết sách nên ông bị trượt.
GS Vũ Tuấn (nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc dùng tiêu chí cứng là viết sách để đo lường trình độ ứng viên ở một số ngành như khoa học tự nhiên, kỹ thuật không ít lần đã "để lọt" người xứng đáng.
"Trong lĩnh vực khoa học xã hội, sách giáo trình hay chuyên khảo có thể biểu thị sự hiểu rộng biết sâu của tác giả, nhưng những ngành như Toán, Lý, Hóa... thì sự biểu thị rõ ràng nhất nằm ở công trình khoa học. Chỉ những người có trình độ khoa học cao mới có được kết quả nghiên cứu ở trình độ cao, được tạp chí uy tín trong nước và quốc tế công nhận và đăng tải", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn đề xuất bỏ tiêu chí cứng là viết sách khi xét công nhận chức danh giáo sư ở ngành kỹ thuật, tự nhiên. Các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Australia cũng không đòi hỏi ứng viên giáo sư phải viết sách hay giáo trình.
TS Lê Viết Khuyết (nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng không phải cuốn sách nào cũng có ứng dụng thực tế hay đóng góp cho khoa học, giáo dục, nhất là trong bối cảnh thị trường sách bị thả nổi, nhiều nhà xuất bản không quan tâm chất lượng tác phẩm. Cũng không có hội đồng chuyên ngành nào thẩm định giáo trình, sách chuyên khảo này trước khi được xuất bản.
Việc dễ dãi trong xuất bản sách phục vụ đào tào và cứng nhắc trong quy định nhiều sách được nhiều điểm, theo ông Khuyết, đã dẫn đến việc đánh giá chất lượng ứng viên giáo sư chưa thực chất. "Một bài báo quốc tế ý nghĩa hơn nhiều lần 10 cuốn sách không có ứng dụng thực tiễn", TS Khuyết nói.
PGS Nguyễn Hồng Cổn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản khi không có sự thẩm định của hội đồng khoa học. PGS Cổn và TS Khuyết kiến nghị "siết chặt" và nâng cao quy định xuất bản sách phục vụ đào tạo. Các tác phẩm này phải vượt qua vòng sát hạch của hội đồng chuyên gia trong trường đại học, nơi tác giả làm việc, hội đồng ngành... trước khi được in và phát hành tới cộng đồng.
"Mỗi ngành, lĩnh vực có một đặc thù nên tiêu chí đánh giá giáo sư, phó giáo sư cũng có điểm riêng, phù hợp cho từng ngành", PGS Cổn nói. Ông đề xuất xem xét bỏ tiêu chí viết sách với ứng viên khối ngành khoa học tự nhiên, nhưng giữ tiêu chí này với khoa học xã hội.
Trong tiêu chí riêng cho ngành Ngôn ngữ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhất thiết ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải có bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus. Ứng viên phó giáo sư chỉ cần ít nhất một cuốn sách giáo trình, còn giáo sư nhất thiết phải có thêm sách chuyên khảo để chứng minh người đó đã thực hiện tốt cả chức năng đào tạo và nghiên cứu.
Quyết định 174 năm 2008 của Thủ tướng nêu rõ, ứng viên phải biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Sách này đã được xuất bản, nộp lưu chiểu trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ. Ứng viên phó giáo sư không đòi hỏi phải viết sách. |