Tại Hội thảo Giáo dục 2018 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 17/8, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, đề xuất quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, gồm phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1. Trường cao đẳng sư phạm có thể trở thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng ở địa phương.
Theo ông Minh, số lượng cơ sở đào tạo giáo viên hiện quá nhiều với 58 đại học, 57 cao đẳng, 40 trung cấp, trong đó có 14 đại học, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm, có thể dẫn đến thừa nhân lực. "Hơn nữa, việc tổ chức và chất lượng đào tạo các trường không đồng nhất. Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển giáo dục vì muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có thầy giỏi", ông Minh khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng việc lấy điểm tuyển sinh thấp cho thấy chất lượng thí sinh không cao và sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Với sự chênh lệch lớn về điểm đầu vào, chất lượng sinh viên tốt nghiệp ở các trường sư phạm sẽ không giống nhau.
Chất lượng đầu vào các trường sư phạm không đồng đều được thể hiện ngay trong kỳ tuyển sinh đại học 2018. Chỉ xét 6 đại học sư phạm đào tạo giáo viên các môn văn hóa cơ bản ở bậc học gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, TP HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, các trường Sư phạm của Đại học Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng, chuẩn đầu vào đã có sự chênh lệch rất lớn.
Xét tổ hợp C00 (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý) vào ngành Sư phạm Ngữ văn sẽ thấy rõ thực tế này. Trong khi Đại học Sư phạm Hà Nội lấy 24 điểm thì Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) chỉ lấy bằng mức sàn Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 17. Như vậy, hai thí sinh cách nhau tới 7 điểm vẫn có thể đỗ cùng một ngành và cùng lấy được tấm bằng cử nhân Sư phạm khi ra trường.
Với Giáo dục mầm non, ngành cả 6 trường đều lấy điểm chuẩn trên thang 30 ở khối xét tuyển M00, có hai trường lấy trên 20 điểm là Đại học Sư phạm Hà Nội (21,15) và TP HCM (20,5). Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) lấy 19,25. Các trường Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Hà Nội 2 và Sư phạm Huế lấy lần lượt 18,5; 18 và 17 điểm.
Tính 11 ngành đào tạo giáo viên gồm Sư phạm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non là ngành duy nhất của Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) lấy trên 18 điểm, còn lại đều lấy 17-17,5.
Ngược lại, Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ có ngành Sư phạm Tin học xét khối A00 và A01 cùng Sư phạm Sinh học và Sư phạm Địa lý xét tổ hợp A00 lấy dưới 18 điểm, còn lại dao động 18-22,6. Đối với Đại học Sư phạm TP HCM, duy nhất ngành Sư phạm Tin học lấy 17 điểm, tất cả ngành còn lại lấy từ 18 đến 22,55.
Ở ngành Sư phạm Lịch sử, thí sinh phải đạt 22 điểm ở tổ hợp xét tuyển C00 mới đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội. Vẫn với tổ hợp đó, các em chỉ cần đạt 19,75 để đỗ Sư phạm TP HCM và bằng sàn là có thể đỗ trường Sư phạm của Đại học Thái Nguyên hay Đà Nẵng. Mức chênh lệch lên tới 5 điểm.
Với Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Đại học Sư phạm (Đại học Huế) - hai trường lấy điểm trúng tuyển trên thang 40 với môn chính nhân hệ số 2, điểm chuẩn khối C00 ngành Sư phạm Lịch sử lần lượt là 22,67 và 22. Nếu quy ra thang điểm 30, mức này cũng chỉ ở ngưỡng sàn.
Không tính 6 đại học sư phạm kể trên, nhiều trường có ngành đào tạo giáo viên chật vật trong tuyển sinh. Kết thúc tuyển sinh đại học đợt 1 (12/8), hai ngành đại học Sư phạm Lịch sử và Sinh học của Đại học Đồng Nai không tuyển được thí sinh nào; ngành Sư phạm Vật lý với 20 chỉ tiêu mới tuyển được 7 em.
Đại học Hồng Đức ở tình trạng tương tự. Dù lấy điểm chuẩn bằng mức sàn do Bộ Giáo dục quy định (17 điểm), ngành Sư phạm Sinh học của trường mới tuyển được 1/20 chỉ tiêu; Sư phạm Hóa và Lý lần lượt tuyển được 5 và 7 em sau đợt 1.
Trước đó năm 2017, trước việc nhiều đại học sư phạm lấy điểm chuẩn bằng mức sàn 15,5 của Bộ Giáo dục, nhiều trường cao đẳng chỉ lấy 3 điểm mỗi môn, nhiều nhà giáo dục đã lên tiếng. Nhắc lại danh ngôn Một thầy thuốc tồi có thể giết chết vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể giết chết một đạo quân, nhưng một thế hệ thầy giáo tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc, PGS Văn Như Cương khẳng định không thể để người học kém vào đào tạo giáo viên. Vì đầu vào trường sư phạm thấp thì đầu ra cũng không thể cao được.
PGS Cương cũng đề xuất, giảm số lượng trường sư phạm, không cần thiết mỗi địa phương có một trường. Về lâu dài, các đại học sư phạm nên là nơi đào tạo tất cả đội ngũ giáo viên.