Đại học Tài chính - Marketing (TP HCM) vừa ban hành quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường. Quy định nêu rõ sinh viên "ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường" phải kính trọng, lễ phép, đúng mực. Thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự "tôn sư - trọng đạo".
Trường nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Quy tắc này gây ra những tranh luận trái chiều trong sinh viên. Ngọc (khoa Du lịch) đặt trường hợp ai đó không hài lòng với việc học ở trường hoặc thái độ giảng viên rồi lên Facebook bày tỏ, liệu có bị quy vào "nói xấu giảng viên, nhà trường".
"Tôi cho rằng, trừ trường hợp vu khống, bịa đặt hoặc phán xét nhà trường, giảng viên một cách vô văn hóa, dung tục thì đáng bị xử lý. Còn lại việc góp ý hoặc phê bình một cách có cơ sở, lịch sự thì không có gì đáng chê", nữ sinh bày tỏ.
Nhiều sinh viên khác cho biết, việc đánh giá điểm rèn luyện ở Đại học Tài chính - Marketing khá chặt nên lo ngại quy định trên sẽ khiến nhiều người bị quy vào phạm lỗi và bị xếp loại yếu kém. Bởi mục đích bộ quy tắc này là giám sát người học trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy chế nhà trường.
"Liệu trường có đủ sức kiểm soát hết thông tin trên mạng và loại trừ khả năng tạo tài khoản giả để chơi xấu nhau giữa các sinh viên?", Trung (khoa Tài chính - Ngân hàng) băn khoăn.
Ở luồng ý kiến khác, nhiều người lại ủng hộ quy tắc của trường bởi tình trạng phát ngôn bừa bãi, bêu xấu người khác trên Facebook và các mạng xã hội đang rất phổ biến. "Nói xấu, vu khống người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, bị phạt hành chính thậm chí nếu hậu quả nghiêm trọng là xử lý hình sự. Trường quy định như vậy là cần thiết, hạn chế sinh viên của mình vi phạm rồi bị xử lý theo pháp luật", một nữ sinh khoa Du lịch nói.
Quy tắc mang tính định hướng cho sinh viên
TS Lê Trung Đạo (Hiệu phó Đại học Tài chính - Marketing) khẳng định, quy tắc ứng xử vừa ban hành, bao gồm cả việc nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội đăng tin và bình luận theo hướng tiêu cực về trường và giảng viên, là mang tính định hướng, động viên người học có ứng xử đúng đắn.
Mục đích của quy tắc là xây dựng văn hóa của trường, giúp người học nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng kỷ cương, nề nếp. Quy tắc còn định hướng các mối quan hệ theo tính nhân văn, nâng cao khả năng thích nghi xã hội và xây dựng môi trường học tập lành mạnh.
"Trường muốn sinh viên chín chắn trong phát ngôn, tìm hiểu rõ ngọn ngành của mỗi sự việc khi đưa lên mạng xã hội bởi thời đại hiện nay một thông tin xấu, không đúng sự thật sẽ lan truyền rất nhanh và gây hậu quả lớn", ông Đạo chia sẻ.
Trường không ủng hộ việc nói xấu giảng viên trên mạng xã hội bởi muốn góp ý, sinh viên còn nhiều kênh khác như hòm thư trường học, các tổ chức đoàn thể, các hội nghị giữa trường và sinh viên.
Cũng theo ông Đạo, nếu một sinh viên góp ý những mặt chưa được của trường hoặc cán bộ, giảng viên trên mạng với thái độ tích cực, lịch sự thì trường sẽ ghi nhận. "Thực tế chúng tôi thường xuyên theo dõi các diễn đàn sinh viên, đoàn thể của trường, nắm bắt tâm tư, phản ánh và những bức xúc của người học để có những điều chỉnh phù hợp", Phó hiệu trưởng chia sẻ.
Đại học Tài chính - Marketing trụ sở tại quận 7, TP HCM hiện có hơn 19.000 người học. Năm ngoái, Thủ tướng có quyết định sáp nhập trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan vào đại học này.