Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) là 2.200 sinh viên. Trường có thêm 6 ngành mới nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và nhu cầu học tập của sinh viên. Đó là ngành xét nghiệm y khoa, điều dưỡng y khoa (gồm các chuyên ngành: điều dưỡng nhi, hồi sinh, tổng hợp, nha khoa...), công nghệ ôtô, thương mại điện tử, ngoại ngữ Hàn, Nhật, Trung.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ, hiệu trưởng đại học Cửu Long, trường thực hiện các cuộc khảo sát trong hai năm qua để đi đến quyết định mở thêm các ngành “khát” nhân lực, khi cả nước không có nhiều cơ sở đào tạo.
“Ít trường có ngành xét nghiệm, điều dưỡng, dược. Ở Bách Khoa, cơ khí ôtô điện tử luôn nằm top xét tuyển. Trong quá trình tiếp xúc với đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.... chúng tôi nhận thấy họ cần nhân sự thương mại điện tử, công nghệ ôtô”, ông Cừ cho biết thêm. Những ngành học mới không chỉ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong nước mà còn phù hợp với thị trường quốc tế, góp phần tạo công ăn việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trước khi mở ngành mới, trường cũng đảm bảo những tiêu chí do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra. Hình thức tuyển sinh các ngành mới theo hai phương thức đăng ký xét tuyển, gồm: xét kết quả học tập bậc THPT và xét kết quả thi THPT Quốc gia 2018.
Bắt đầu từ năm học này, thời gian theo học chuyên sâu hơn, từ 3 năm tăng 3,5 năm theo quy định của Bộ. Trường dự kiến ký kết hợp tác với đối tác Hàn Quốc theo hình thức đầu tư vốn trong 25 năm để thi công khu nhà 10 tầng diện tích 28.000m2, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2019. Khu nhà bao gồm phòng thí nghiệm, thực hành có trang thiết bị hiện đại, thư viện và sách điện tử…
Hướng đến mục tiêu trở thành đại học uy tín và chất lượng cao khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước, theo hiệu trưởng Lương Minh Cừ, trường đầu tư cho cơ sở vật chất, phương tiện và hạ tầng phục vụ dạy học. Hiện phòng thí nghiệm, thực hành cho khối Y và Công nghệ sinh học đã đi vào hoạt động với vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Đa số phòng học đều được gắn máy lạnh, thiết bị điện tử phục vụ giảng dạy như đèn chiếu, tivi.
Quan hệ quốc tế được trường chú trọng liên kết đào tạo với các đại học, cao đẳng tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... bằng hình thức trao đổi giảng viên, sinh viên, học bổng và các chương trình do trường cả hai nước cấp bằng, học hai năm cuối và thực tập, có việc làm ở nước ngoài. Năm nay, trường đưa công nghệ cơ khí ôtô Hàn Quốc về giảng dạy và hợp tác chuyển giao công nghệ trồng khoai lang tím chất lượng cao của xứ kim chi trên một hecta đất trong khu vực.
Chiến lược phát triển của trường là tập trung vào con người, nâng chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ. Trường mời nhiều giáo sư, tiến sĩ chuyên môn giỏi từ các đại học trong và ngoài nước đến giảng dạy, đặc biệt là các chuyên ngành mới, như đại học Bách khoa, Khoa học xã hội và Nhân văn, Y Dược...
Đại học Cửu Long cũng vừa chuyển từ hệ dân lập qua tư thục, với hệ thống quy chế, cơ sở pháp lý rõ ràng, góp phần thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. “Quyền tự chủ lớn hơn, chúng tôi có thể tập trung toàn bộ sức mạnh nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Cừ chia sẻ.
Dù chuyển hình thức đào tạo nhưng học phí vẫn giữ nguyên. Trường chủ động tuyển người giỏi với mức lương tùy theo năng lực, có cơ chế khuyến khích nhân tài, phân hóa chất lượng. Mỗi kỳ, sinh viên sẽ đánh giá chất lượng giảng viên.
Ngày 26/5, trường nhận giấy chứng kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp. Trước đó, từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc đại học Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá đại học Cửu Long. Sau khi tự kiểm định kết hợp kiểm định ngoài, đến tháng 4 xác nhận trường đạt chuẩn trên 80% tiêu chí.
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đại học do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra, với 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí về quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, trang thiết bị vật chất...
Đại học Cửu Long thành lập từ năm 2000, là trường ngoài công lập đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích gần 24 hecta, đào tạo đa ngành nghề với gần 6.000 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm 90-92%.
Trường đặt mục tiêu đến năm 2022 trở thành trường uy tín trong cả nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có chất lượng cao trong khu vực, có khả năng liên thông từ cao đẳng lên đại học, hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2.
Nguyên Thanh