Tại cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của TP HCM, sản phẩm "Trong tiếng Việt - Sáng hồn Việt" của cô Trịnh Thị Minh Hương (giáo viên Văn trường THPT Phú Nhuận) đạt giải nhất ở hạng mục dạy học theo dự án.
Dự án này được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao về tính nhân văn, thông điệp truyền tải đến cộng đồng và sự đầu tư công phu.
Cô Hương cho biết lý do chọn đề tài bởi thực trạng học sinh sử dụng nhiều "teencode", tiếng lóng, tiếng nước ngoài xen lẫn trong giao tiếp hằng ngày, phá vỡ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Rộng hơn ở ngoài xã hội, tiếng Việt đang dần bị biến chất, bị sử dụng một cách tùy tiện.
"Mỗi công dân yêu nước phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đó cũng là cách giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Mục tiêu tôi hướng đến trong dự án này là nâng cao nhận thức về sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời lan tỏa ý thức đó cho cộng đồng", cô Hương chia sẻ.
150 học sinh tham gia dự án được chia làm 10 nhóm với những nhiệm vụ khác nhau. Nhóm họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền và sáng tác truyện tranh, nhóm điện ảnh làm một bộ phim ngắn đưa đến thông điệp của dự án, lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi đó, nhóm kinh doanh thiết kế sản phẩm trò chơi mang tính giáo dục, có thể kinh doanh thu lợi nhuận tích hợp việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Các em ở nhóm giáo dục có nhiệm vụ làm ra các sản phẩm giúp cho việc giảng dạy của giáo viên hiệu quả, nâng cao tình yêu tiếng Việt cho học sinh. Họ thực hiện sản phẩm là những trò chơi, thẻ đọc sách thông minh tại thư viện hoặc lớp học gia đình.
Nhóm nghiên cứu tìm hiểu, nghiên cứu về thực trạng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay. Các em đã đóng vai những nhà điều tra xã hội học, làm các khảo sát tại trường học, thư viện, công viên...
Các nhóm còn lại gồm báo chí, lập trình viên, sáng tác, sân khấu và quảng bá hoạt động rất tích cực. Họ đã tổ chức một buổi báo cáo dự án trước hàng trăm học sinh của trường hồi đầu tháng 1.
Những bức tranh tuyên truyền với nội dung "Hãy hòa nhập - đừng hòa tan", "Đừng giết chết tiếng Việt", "Hãy thay đổi, tiếng Việt đang dần bị thuần hóa"... được học sinh trong nhóm lan truyền đến nhiều bạn trong trường. Bộ áo thun, túi xách được trang trí những khẩu hiệu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng lan tỏa đến nhiều người.
Hứng thú tham gia dự án, Đàm Thanh Tú (học sinh 12) cho biết đã thu nạp được nhiều kiến thức bổ ích. Tú và nhiều bạn đã "rà soát" xem thời gian qua có giao tiếp với nhau bằng nhiều từ "teencode", từ lóng hay "nửa Tây nửa ta" hay không để tự điều chỉnh mình.
Nhờ bắt tay vào dự án, Tú có thêm nhiều kiến thức lý thú về lịch sử tiếng Việt, những từ ngữ bị nhiều người mơ hồ, viết sai chính tả.
"Điều quan trọng là em được tuyên truyền cho các bạn cùng trường hiểu được ý nghĩa của việc sử dụng tiếng Việt đúng và gìn giữ vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt", Tú nói.
Trong khi đó, Nguyễn Từ Lộc Phúc (học sinh 12) cùng nhiều bạn xây dựng một vở kịch với nội dung châm biếm việc sử dụng tiếng Việt không đúng đắn của nhiều người. Hoàn thành vở kịch, Phúc tự tin mình đã có thêm kỹ năng đánh giá cái hay, cái đẹp của những lời nói, câu văn tiếng Việt trong sáng.
Ngoài ra, Phúc còn học thêm nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, tìm kiếm và xử lý thông tin và hiểu biết thêm các loại hình nghệ thuật dân gian.
Sắp tới, dự án sẽ hợp tác với nhiều trường THPT khác trong cụm, để triển khai rộng rãi đến học sinh. Ở năm học tiếp theo, "Trong tiếng Việt - Sáng hồn Việt" sẽ liên kết với các trường THCS thực hiện dự án theo năng lực của học sinh.
Cô trò nhóm này đang ấp ủ hình thành trang web có chức năng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đăng tải kiến thức, tin tức, bài vở nghiên cứu… Điều họ mong muốn nhất là cải thiện được thói quen sử dụng tiếng Việt trong sáng cho nhiều người hơn, nhất là bạn trẻ.
Cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin lần thứ ba (năm học 2017-2018) được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức nhận được hơn 1.100 sản phẩm dự thi. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của giáo viên về sử dụng các phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả, dạy học theo dự án, tích hợp liên môn, học bên ngoài lớp học. Ngoài hạng mục Dạy học theo dự án còn có các nhóm sản phẩm khác: Phần mềm, trang web cho giáo dục; Thiết kế bài giảng E-Learning; Thiết kế bài giảng bằng phần mềm MS Power Point; Thiết kế bài giảng trên bảng tương tác. |