Năm nay, Hội nghị quốc tế về Ngôn ngữ học tính toán và xử lý ngôn ngữ văn bản thông minh lần thứ 19 (gọi tắt là CICLing) tổ chức tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (Đại học Việt Pháp).
Chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 18/3 đến 24/3 với hàng loạt các phiên báo cáo khoa học chuyên ngành. CICLing được Google Scholar xếp vào top 20 hội thảo và tạp chí uy tín về ngôn ngữ học tính toán. Hội thảo có quy mô quốc tế, được tổ chức thường niên, thu hút hàng trăm nhà khoa học trên thế giới đến tham dự và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất.
Tham dự CICLing năm nay có Giáo sư Pushpak Bhattacharyya - Cựu Chủ tịch Hiệp hội Ngôn ngữ học Tính toán và 3 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực. Trong các phiên báo cáo, cả bốn chuyên gia đã trình bày những quan điểm và nghiên cứu mới nhất về ngôn ngữ học tính toán, xử lý ngôn ngữ tự nhiên dựa trên máy tính và thông tin đa phương tiện.
Ngoài ra, USTH cũng tổ chức Hội thảo về Xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt lần thứ năm (VLSP) vào ngày 23/3. Chương trình tổ chức bốn cuộc thi nhằm tháo gỡ một số bài toán hóc búa trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt như nhận dạng tên riêng, phân tích quan điểm, nhận dạng tiếng nói và tổng hợp tiếng nói tiếng Việt.
Chuỗi cuộc thi này nhằm thu hút các nhóm nghiên cứu trong nước chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ. Thông qua hội thảo, chuyên gia trong và ngoài nước cũng nắm bắt được quá trình phát triển và đưa ra các vấn đề cần giải quyết về xử lý ngôn ngữ tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời mở ra hướng hợp tác nghiên cứu tiếp theo.
Theo Giáo sư Antoine Doucet - Đồng trưởng khoa Công nghệ thông tin và truyền thông của USTH, khoa học máy tính trên thế giới đang phát triển với gia tốc rất nhanh, tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho con người, tuy nhiên, tính cạnh tranh trong ngành rất cao. Sinh viên Việt Nam nhìn chung có kiến thức tốt, song còn yếu về tiếng Anh, thiếu môi trường cọ xát. Đây chính là lý do nhà trường tích cực đẩy mạnh các hoạt động trao đổi nghiên cứu quốc tế như CICLing.
Năm 2017, USTH còn lọt top 10 trường đại học và viện nghiên cứu dẫn đầu về công bố khoa học quốc tế tại Việt Nam, do Nature Index xếp hạng.
Công nghệ thông tin là một trong 6 ngành của USTH được cấp bằng thạc sĩ có giá trị quốc tế. Khoa ICT hiện có số lượng sinh viên đông nhất. Ngoài ICT, trường còn đào tạo 12 ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn khác, trong đó có 5 ngành bắt đầu tuyển sinh năm học 2018-2019 gồm An toàn thông tin, Toán Ứng dụng, Hóa học, Vật lý kỹ thuật và điện tử, Kỹ thuật hàng không.
Toàn bộ các ngành đào tạo của trường đều dạy bằng tiếng Anh. Thời gian đào tạo hệ đại học 3 năm theo tiến trình châu Âu, song song lý thuyết và thực hành. Sinh viên không chỉ trau dồi kiến thức chuyên ngành, mà còn nâng cao kỹ năng mềm qua nhiều hội thảo, workshop, seminar hay dự án. Nhờ vậy, tỷ lệ tốt nghiệp ra trường có việc làm hoặc học lên cao đạt trên 95%.
USTH hiện xây dựng được mạng lưới 70 đối tác quốc tế. Lớn mạnh nhất là Liên minh 40 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp (USTH Consortium) hỗ trợ trường giảng dạy, đào tạo giảng viên, xây dựng 9 phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên sang Pháp thực tập...
Đại diện trường USTH cho biết, thế mạnh hợp tác quốc tế đã đem đến môi trường học tập và nghiên cứu đa văn hóa với hơn 50% giảng viên hệ đại học là các tiến sĩ, giáo sư đến từ những trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Điều này cũng mang đến nhiều cơ hội đi thực tập hay xin học bổng thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài cho sinh viên.
Thống kê 3 năm gần đây cho thấy, 60-70% sinh viên và học viên được đi thực tập tốt nghiệp ở Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Mỗi năm, trường cũng cấp thêm học bổng toàn phần thực tập 3-6 tháng tại Pháp cho 10% sinh viên ưu tú nhất.
Tuấn Tú