Lifehack chỉ ra một số cách phụ huynh có thể áp dụng để nâng cao sự tự tin của con, nhưng không khiến chúng quá kiêu ngạo trước người khác.
1. Cho phép con thất bại
Nhiều cha mẹ không muốn con phải chịu đau khổ khi thất bại nên lúc nào cũng nghĩ phải giúp con mọi lúc mọi nơi. Nhưng thật không may, họ không thể ở bên con mãi mãi. Vì vậy, tốt hơn hết là hãy dạy con cách tự đứng lên sau vấp ngã và nhìn nhận lại mọi thứ để tiến bộ hơn, thay vì bỏ qua hay đổ lỗi cho người khác.
Bạn có thể cho con chơi trò chơi để con sẽ trải qua mọi cảm giác từ cạnh tranh, cố gắng, niềm vui chiến thắng hay nỗi thất vọng. Hãy ở cạnh khi con tham gia trò chơi, chỉ ra những điểm tích cực và hướng dẫn con cách kiềm chế hành vi tiêu cực khi phải đón nhận thất bại.
Có đủ kinh nghiệm đối mặt với những sợ hãi và khó khăn, con sẽ học được cách giải quyết tốt hơn, từ đó trở nên tự tin hơn.
2. Dạy con chịu trách nhiệm
Bạn cần sớm giúp con hiểu rằng không phải con làm sai thì cha mẹ phải gánh chịu hậu quả. Khi biết phải có trách nhiệm trước mọi hành động, con sẽ thận trọng hơn với các lựa chọn và lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Và khi đã suy nghĩ thấu đáo, con sẽ tự tin hành động hơn.
3. Hãy để con giúp đỡ việc nhà
Có năng lực, con sẽ tự tin. Vì vậy, bạn cần trao cho con cơ hội để chúng xây dựng và thể hiện khả năng, trình độ. Bạn có thể làm điều này bằng cách yêu cầu con giúp đỡ những việc trong gia đình, để con tập nấu ăn hay sắp xếp bàn ghế.
Thông thường, nhiều bậc cha mẹ sợ sự lộn xộn có thể xảy ra trong những ngày đầu và vội vã bảo con không làm nữa khi con thất bại. Đừng hành động như vậy. Hãy coi đó là vấn đề nhỏ tạm thời trong một quá trình lớn và lâu dài. Hãy giúp con dần dần hoàn thành tốt công việc và hiểu giá trị của những việc đã làm.
4. Thử thách con
Thay vì chỉ xác nhận sự tiến bộ, bạn cần đặt ra những thử thách để đẩy cao tinh thần phấn đấu của con. Ví dụ khi con đã thực hiện tốt công việc dọn dẹp phòng ngủ, bạn cần đặt ra thử thách để con dọn phòng khách rồi nhà bếp. Quá trình vượt qua nhiều thử thách sẽ giúp con tự tin hơn.
5. Cho con phụ trách công việc nào đó
Thường xuyên cho con phụ trách, lên kế hoạch hoạt động là cách bạn tạo cơ hội để con tự tin đưa ra quyết định. Bạn có thể yêu cầu con lựa chọn bộ phim cho cả gia đình hay một nơi để đi chơi vào dịp cuối tuần.
Nếu có nhiều con, hãy luân chuyển đặc quyền này cho chúng để tránh tình trạng bất công bằng, gây cảm giác thiệt thòi cho đứa trẻ này và tính kiêu ngạo, độc quyền ở đứa trẻ còn lại.
6. Khuyến khích con theo đuổi đam mê
Nhận được sự ủng hộ từ bạn, con sẽ nuôi dưỡng tình yêu với việc học, cố gắng xây dựng năng lực bản thân để đạt được ước mơ. Khi có kiến thức, năng lực và những kỹ năng cần thiết, con sẽ tự tin hơn.
7. Khuyến khích con thể hiện bản thân
Hãy khuyến khích con tham gia thảo luận, chia sẻ quan điểm và cảm xúc về một vấn đề cụ thể, đồng thời dạy con biết tôn trọng ý kiến bất đồng, cởi mở với ý kiến của người khác. Điều này sẽ giúp con hiểu rằng có quyền được đưa ra quan điểm nhưng trên thế giới không phải chỉ quan điểm của con mới có quyền tồn tại.
8. Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của con
Khi con cố gắng nói với bạn về một điều gì đó, hãy dừng lại và lắng nghe, ngay cả khi bạn không hiểu hết những gì con nói. Từ đó, con sẽ nhận ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình rất quan trọng. Con sẽ tự tin mở lòng chứ không tự ti và sống khép mình nữa.
9. Không so sánh con với người khác, kể cả tích cực
Nhiều cha mẹ thường so sánh con không chăm, không học giỏi bằng bạn này, bạn kia với hy vọng con sẽ xấu hổ và cố gắng đạt được thành tích như các bạn khác. Nhưng điều đó hoàn toàn vô ích trong thực tế.
Ngay cả khi so sánh tích cực kiểu "Con là người làm tốt nhất trong nhóm", bạn cũng gây tổn hại cho con. Chúng sẽ có ý nghĩ sai lệch về thực tế, không tính đến đóng góp của người khác mà chỉ kiêu ngạo, khoe khoang bản thân.