Vào Đại học FPT, Đỗ Tiến Hưng khiến người khác nhớ tới không phải ở thành tích học tập, đẹp trai, hay hoạt động phong trào xuất sắc, mà là nam sinh nhỏ con có "máu liều" và đam mê kinh doanh.
Chàng trai Hà Nội chọn cách tự trải nghiệm, chứ không học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Bởi theo anh, dù có được truyền đạt hay đến mấy mà chưa từng trải nghiệm thì sẽ chẳng nhớ mãi bài học. Chỉ có lao động, đầu tư vào bản thân mới thực sự sinh được lợi nhuận, giá trị.
Trong khi các sinh viên lo làm đồ án để kiếm điểm thì Hưng lại đầu tư không chỉ vì điểm, vì thành tích, mà còn để bán. Chàng sinh viên nhỏ con với cặp kính cận mang đồ án xây dựng website sổ liên lạc điện tử đi bán.
“Để bán được sản phẩm, mình đã phải gõ cửa từng trường học mời chào, tiếp thị về những lợi ích của sổ liên lạc điện tử. Tuy nhiên, chỉ nhận được những cái lắc đầu, duy nhất có một trường mẫu giáo tư thục nhận mua vì... bị làm phiền quá nhiều”, chàng trai sinh năm 1988 nhắc lại kỷ niệm thời sinh viên.
Thất bại của website sổ liên lạc điện tử khiến Hưng thêm động lực phấn đấu. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải màu hồng, càng không phải chỉ cần “liều” hay “máu khinh doanh” là được. Bản lĩnh đôi khi đánh đổi bằng hai từ… trắng tay!
Tốt nghiệp đại học, làm trong một công ty lớn nhưng khát vọng “đầu tư làm giàu cho chính mình” luôn cháy bỏng, Hưng lại nhen nhóm ý tưởng kinh doanh mới. Đầu năm 2013, anh vay tín chấp từ ba ngân hàng 200 triệu đồng mở quán bar trên phố Xuân Diệu (Hà Nội). Để tiết kiệm chi phí, ban ngày cậu đi làm, tối về tự điều hành quán.
Năm đầu tiên, ăn nên làm ra, chàng trai thêm vững tin vào kế hoạch của mình. Nhưng mọi việc chỉ êm đềm được một năm thì quán gặp cạnh tranh lớn từ các bar mới mọc lên, và hàng trăm “lý do không tên” kéo đến dồn dập khiến bar phá sản, để lại cho Hưng mối nợ ngân hàng lớn.
Hưng quay quắt trong mớ bòng bong nợ nần. Việc lớn việc nhỏ anh nhận tất, không nề hà. “Trước khi quay lại tiếp tục khởi nghiệp, mình đã đi làm ở rất nhiều công ty, lớn có nhỏ có. Và mình rút ra, không quan trọng công ty to nhỏ, ở đâu bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều thứ, từ thị trường đến quản lý nhân sự, từ đối tác đến tuyển dụng nhân viên…”, anh chia sẻ.
Trở thành CEO trẻ tuổi từ hai bàn tay trắng
Hưng nhảy việc sang một công ty Nhật Bản để tiếp tục kéo cày trả nợ. Tại đây, anh tỏ rõ tố chất của một người có đam mê, khát vọng, và tầm nhìn chiến lược khi mạnh dạn đề xuất ba hướng phát triển mới cho công ty trong đó thời gian đầu tập trung vào dịch vụ outsourcing và được ban lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách.
Liên tiếp mang về doanh thu, công ty mẹ quyết định giao toàn bộ công ty tại Việt Nam cho Hưng. Anh trở thành tổng giám đốc, là cổ đông lớn nhất của công ty. Hiện tại Công ty Cổ phần công nghệ GVN do Hưng đứng đầu không chỉ có dịch vụ outsourcing, web, app, tư vấn giải pháp mà còn phát triển hệ thống phòng lab, giúp khách hàng tự điều phối nhóm kỹ thuật để làm ra sản phẩm theo ý mình.
Đỗ Tiến Hưng thành thật chia sẻ: “Vấp ngã cũng phải vài lần, sau mỗi lần lại rút ra được bài học xương máu. Cho đến giờ khi Facebook nhắc kỷ niệm ngày này năm xưa, nhìn thấy những hình ảnh khi thất bại, mình lại có cảm giác vui hơn là buồn. Nhờ những trải nghiệm đó, mình mới có được thành quả hôm nay, và vì đủ biết sức chịu đựng gian khó của mình cũng không phải hạng xoàng”.
Hưng cho biết khi học ở Đại học FPT, anh học được kỹ năng mềm, khả năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng lãnh đạo… Đi lên từ hai bàn tay trắng, giờ đây khi lãnh đạo công ty GVN, Hưng áp dụng triệt để slogan “Never give up”. Với Hưng “không bao giờ có khái niệm từ bỏ khi vẫn còn cơ hội”.
Anh Hưng chia sẻ, nhiều người luôn nghĩ còn trẻ thì có thể thoải mái mắc sai lầm, nhưng nếu thất bại nhiều quá mà vẫn không rút ra được bài học gì sẽ chẳng bao giờ thành công. Các bạn trẻ có quyền hoài bão, có quyền ước mơ, nhưng đừng viển vông. Khi đã bắt tay vào khởi nghiệp, đó sẽ là cuộc chiến thực sự chứ không hề được trải hoa hồng.
"Trên con đường này đối thủ đáng sợ nhất chính là chúng ta. Khi quyết định thực hiện một điều gì, cho dù tất cả những người xung quanh ủng hộ, nhưng bản thân lại nghĩ không thể nào làm được thì coi như 90% thất bại. Còn ngược lại, ngay cả khi những hoàn cảnh xung quanh rất nghiệt ngã, nhưng nếu trong lòng vẫn vang lên một câu nói “Mình sẽ làm được!” thì sớm muộn gì, chúng ta sẽ vươn tới điều mong ước”, anh tâm sự.
Anh cho rằng khởi nghiệp ở bất cứ thời điểm nào cũng thích hợp, chỉ cần có ý tưởng, quyết tâm và lên kế hoạch thật chi tiết. Hãy sẵn sàng đối mặt với tất cả khó khăn và rủi ro gặp phải. Sinh viên là quãng đời tuổi trẻ, giàu sức sống, đam mê, hoàn toàn có thể khởi nghiệp thành công, thậm chí tạo nên thành tựu lớn.
“Trước khi khởi nghiệp bạn nên có chiến thuật đi làm thuê, sẽ học hỏi được nhiều điều", anh Hưng bật mí.
Phạm Phương