Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội sáng 30/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay rất "suy nghĩ" với cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác.
"Tôi rất trăn trở. Đứng về mặt nhà nước quy định là như thế. Nhưng thực tế về mặt con người, các thầy cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu được 1,3 triệu đồng thì sống sao được", ông Nhạ chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, trường hơp cô Lan không cá biệt mà phổ biến do thang bảng lương của ngành thấp so với yêu cầu. Do đó, Bộ đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính để đưa thang bảng lương vào Luật Giáo dục. Ngành đang thống kê số giáo viên về hưu lương quá thấp, nhất là đối với mầm non.
"Yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ", Bộ trưởng Giáo dục cho hay.
Dự Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được xây dựng, theo kế hoạch tháng 5/2018 sẽ trình xin ý kiến Quốc hội và dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Trước đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn (Hà Tĩnh) đã đăng trên mạng xã hội câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan về hưu sau 37 năm công tác nhận lương 1,3 triệu đồng.
Chia sẻ với báo chí sau đó, cô Lan cho biết, khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán "tôi ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”.
Câu chuyện của cô Lan đã nhận được nhiều chia sẻ. Trong khi cơ quan bảo hiểm xã hội cho rằng mức lương của cô Lan như vậy là đúng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít (22 năm 8 tháng) và mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp.