Ma Jun là giảng viên cao đẳng với tương lai hứa hẹn ở thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. 8 năm trước, cô quyết định rời bỏ đô thị về giảng dạy tại trường làng Mata do cha mình thành lập. Theo SCMP, ngôi trường làng có từ năm 1992, nằm ở huyện Tử Châu, cùng tỉnh Thiểm Tây, chủ yếu dạy trẻ em bị cha mẹ bỏ lại quê nhà để lên thành phố làm việc.
Hiện tại, Ma Jun là "mẹ" của hơn 300 học sinh ở trường. Cô sống tại đây 24/24h, dạy môn giáo dục thể chất cho các lớp và đóng vai trò then chốt trong việc lập thời khóa biểu, lên chương trình dạy. Khi rảnh rỗi, Ma Jun trồng rau cùng mẹ và nuôi lợn với bố để hỗ trợ cho căng tin nhà trường.
Mata là nơi Ma Jun sinh ra và lớn lên. Ngôi trường do cha cô thành lập để Ma Jun và bốn anh chị em không phải đi bộ 5 km đến ngôi trường duy nhất lúc đó. Ngay cả cho tới giờ, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe buýt từ làng Mata đến trung tâm Tử Châu.
Ngôi trường hiện đã phát triển thành trường nội trú với 26 giáo viên và 315 học sinh tuổi từ 3 đến 14, phần lớn bị cha mẹ bỏ lại quê nhà hoặc cha mẹ ly dị.
"Khi còn nhỏ, giấc mơ của tôi là trở thành vận động viên, tham gia Olympic", Ma Jun kể. Cô được tuyển vào đội đấu vật nữ của tỉnh Thiểm Tây khi vào trung học. Nhưng Ma Jun phải từ bỏ ước mơ sau khi bị thương nặng ở đầu gối trái trong khi luyện tập. Năm 2005, cô tốt nghiệp Đại học Thể thao Tây An và trở thành giáo viên thể dục tại một trường cao đẳng trong thành phố.
Năm 2010, khi đã có chồng và vừa sinh con, Ma Jun quyết định quay về Mata. "Bố đã già và tôi cảm thấy cần giúp đỡ ông", Ma nói. "Việc quay về là bất ngờ lớn đối với bố mẹ. Bố đã khóc hết nước mắt khi tôi nói với ông sẽ bỏ công việc ở thành phố để giúp ông. Tôi nói bố đã dành cả đời để duy trì trường học. Con chọn trở thành giáo viên là vì mình và vì cả bố nữa".
Cha của Ma Jun, ông Ma Weishuai, hiện 66 tuổi và vẫn làm hiệu trưởng trường học. Chồng cô, từng bán bảo hiểm, giờ chịu trách nhiệm về các lớp tin học và sửa chữa máy tính. Con trai họ đang học lớp 2 ở đây.
"Chồng không đồng tình khi tôi quay về, nhưng nhiều năm qua anh ấy không phàn nàn", Ma Jun chia sẻ. Sự trở về của cô đã tạo khác biệt lớn ở trường, đặc biệt là về đào tạo giáo viên. "Giáo viên của chúng tôi mức lương thấp, phải sống với lũ trẻ hàng ngày. Không có cơ hội nhìn ngắm thế giới bên ngoài, vì vậy họ có vốn kiến thức nghèo nàn và cách giảng dạy cũ rích", cô chia sẻ.
Sau khi được tập huấn, các giáo viên ở trường hiện đã hiểu biết nhiều hơn về việc giữ vệ sinh và dừng phạt học sinh bằng đòn roi. Ngày trước, các lớp chỉ học chữ, học số thì giờ đây Ma Jun thêm cả bài tập thể dục, nghệ thuật và thí nghiệm khoa học. Cô còn tổ chức các cuộc thi như ca hát, thư pháp.
Đội văn nghệ của trường đã được biểu diễn tại đài truyền hình địa phương, tham gia thi Liên hoan Nghệ thuật Trung Quốc lần thứ 15 vào tháng 10/2016 và nhận được tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Tới tháng 12 cùng năm, học sinh trường Mata đến Bắc Kinh để thi đấu với học sinh thủ đô và Thượng Hải trong một chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em.
Ma Jun cho biết hiện thách thức lớn nhất với ngôi trường là xây dựng đội ngũ giáo viên ổn định và chất lượng. Với mức lương trung bình thấp hơn 10 triệu đồng một tháng, công việc nặng nề, nhiều giáo viên đã bỏ trường ra đi.