Tuy nhiên, theo ông Hùng, hoạt động mua lại, sáp nhập ngân hàng khác có điều kiện cần là Ngân hàng Nhà nước chỉ định. "Trước khi mua bán, chúng tôi phải xem xét từng tài sản, khoản nợ cụ thể. Đừng tưởng M&A là hay, mà sau đó là rất nhiều vấn đề cần giải quyết", ông Hùng nhận xét.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Huy Hùng thông tin, trong 4 tháng đầu năm Vietinbank đạt lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, quý I, nhà băng này đạt gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 60% so với cùng kỳ 2011. Nợ xấu được kiểm soát ở 1,82%.
So với đầu năm, dư nợ cho vay đạt 280.000 tỷ đồng, giảm 2,92%. Tỷ trọng cho vay phi sản xuất, đến hết tháng 4 là 1,2% (tiêu dùng), 3,6% (bất động sản), 0,013% (kinh doanh chứng khoán). Ông Hùng nhấn mạnh, khoản cho vay chứng khoán của nhà băng này chỉ dành cho một vài khách hàng chiến lược.
Chia sẻ tại hội thảo về hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết, đây có thể là hoạt động rầm rộ nhất trong năm 2012. So với các nội dung khác trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế, việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng dễ thực hiện nhất vì chưa hình thành lợi ích nhóm, ông Thành nói.
Cuối năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng cho biết sẽ có 5-8 ngân hàng sáp nhập trong quý I/2012. Sau sự kiện 3 ngân hàng Tín Nghĩa, Đệ Nhất và Sài Gòn hợp nhất, trên thị trường xuất hiện thêm vụ SHB sáp nhập với Habubank. Gần đây, một số nhà băng, trong đó có Đông Á, HDBank và Kiên Long cũng thông tin về kế hoạch sáp nhập, mua bán.
Lan Anh