Tính đến ngày 20/8, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,3% so với ngày 31/12/2011. Trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,4% thì tổng số dư tiền gửi tại các nhà băng đã tăng 11,23%.
Theo nhận xét của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Huy động vẫn tăng mạnh nhưng vốn không thể tìm được đầu ra. Ảnh: Anh Quân. |
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đặt ra vào đầu năm khoảng 15%-17%. Chia sẻ với báo giới, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển cho rằng những năm tới, nguồn tín dụng sẽ bị khống chế thấp hơn nữa nên từ nay đến cuối năm không thể sử dụng hết "room" lớn này.
"Nếu dùng hết room thì hình dung, 4 tháng còn lại, mỗi tháng phải tăng trưởng 4%. Như vậy sẽ đẩy lạm phát lên. Tôi cho rằng mức hợp lý nhất là khoảng 1,2-1,3%, cộng với phần giải ngân từ vốn đầu tư Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, thậm chí lấy cả nguồn năm 2013 cho năm 2012. Nếu cao hơn thì nền kinh tế không hấp thu được", ông Trương Đình Tuyển bình luận.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cũng cho rằng đồng tiền ra nền kinh tế sẽ chặt chẽ hơn nhiều. Ông Thành nói: "Từ nay đến năm 2015 chứ không chỉ là trong năm sau, chúng ta chỉ muốn trung bình tăng trưởng tín dụng chỉ bằng một nửa thời kỳ 10 năm trước".
10 năm trước, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng tín dụng cao nhất thế giới, có năm tín dụng tăng tới 32%-33% một năm. Do đó, theo ông Thành, trong 5 năm tới, trung bình tín dụng chỉ tăng trưởng quanh 15% một năm, tổng đầu tư toàn xã hội cũng sẽ giảm từ 42-43% trong 5 năm trước còn 34%-35%.
Chiều hướng tăng trưởng huy động và cho vay những tháng đầu năm nay ngược hoàn toàn các năm trước. Trước đây, tăng trưởng tín dụng thường cao hơn huy động, ngân hàng thường cho vay nhiều hơn số vốn huy động được.
Theo số liệu của IMF, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) vẫn ở mức cao trong năm 2011. Tỷ lệ LDR của Việt Nam đã giảm từ mức 117% vào tháng 1/2011 xuống 109% vào tháng 10/2011. Tuy nhiên, mức này vẫn tương đương các mức của năm 2009 và năm 2010. Nếu tính cả lượng tín dụng mà các ngân hàng tìm cách lách trần tín dụng (20%) và trần tỷ lệ tín dụng phi sản xuất (16%) thông qua các hình thức khác như đầu tư và các khoản phải thu khác thì tỷ lệ này có thể còn cao hơn.
Ngược lại, sau 8 tháng đầu năm 2012, lượng vốn các ngân hàng huy động được tăng trưởng lại gấp hơn 10 lần đà tăng trưởng của tín dụng. Nguyên nhân là các ngân hàng không thể đẩy được vốn ra nền kinh tế do doanh nghiệp chưa giải quyết được hàng tồn kho cũng như "cục máu đông" nợ xấu.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới công bố gần đây cũng cho biết, dòng tiền ra - vào của các tổ chức tín dụng bị biến động mạnh trong năm vừa qua. Do mất cân đối cho vay - huy động, một số tổ chức tín dụng trong nhóm yếu kém buộc phải đưa ra các biện pháp cạnh tranh thu hút vốn quyết liệt bằng lãi suất để thu hút tiền gửi.
Về vấn đề lãi suất, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế trong tháng 8 cho rằng các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4%-5% một năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng tốt để sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9%-10%. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 10-13% một năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-15% một năm.Thanh Thanh Lan