Tuy nhiên, đây là con số cải thiện so với mức âm 1% của tháng 1/2013 và vẫn khả quan hơn so với mức âm khoảng 3% của cùng kỳ năm trước so với cuối năm 2011.
Trong năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 12%, trong đó bao gồm cả khoản tiền ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng mục tiêu này có đạt được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp.
Tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vụ Tín dụng cho biết sẽ vẫn tiếp tục quản lý chất lượng tín dụng tại các ngân hàng thương mại một cách chặt chẽ để tránh vốn đi sai chỗ, không mang lại hiệu quả. Đồng thời việc phân nhóm tín dụng sắp được công bố. Trong đó, NHNN sẽ xem xét các yếu tố như năng lực quản trị, quy mô vốn của từng ngân hàng để tính toán. Những ngân hàng mạnh, nhưng đã có sáp nhập với ngân hàng yếu khiến nợ xấu tăng lên cũng sẽ được xem xét kỹ việc có hạ nhóm tín dụng so với các năm trước hay không. Và các ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh có thể được xem xét xếp vào các nhóm được phép tăng trưởng cao.
Việc tiếp tục phân nhóm cũng là để tránh hiện tượng các ngân hàng cho vay tràn lan, gây ảnh hưởng đến lạm phát, vì tại Việt Nam, doanh nghiệp dựa quá nhiều vào vốn vay để kinh doanh.
Năm 2012, các ngân hàng được phân thành 4 nhóm tín dụng. Trong đó, nhóm 1 được tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8% và nhóm 4 sẽ không được phép tăng trưởng.
Theo một số ngân hàng lớn, hiện tại tăng trưởng tín dụng bao nhiêu trong 2013 vẫn là một câu hỏi khó, vì các ngân hàng muốn cho vay doanh nghiệp tốt để tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp chưa có dấu hiệu đã hồi phục, thậm chí hoạt động kinh doanh trong quí IV/2012 của nhiều doanh nghiệp còn tệ hơn các quí trước. Các ngân hàng cho biết vẫn đang chờ đợi các biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ như kích cầu cho bất động sản thông qua người mua nhà, giảm thuế cho doanh nghiệp….
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho rằng trong năm 2012 các ngân hàng đã rất chật vật để tăng trưởng tín dụng, vì vậy năm 2013 nên xem xét có khống chế trần này hay không. Thực tế, các ngân hàng hiện tại rất kỹ càng trong việc chọn lọc hồ sơ vay do lo ngại việc gia tăng nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trong năm 2012 đa phần các ngân hàng đã phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dẫn đến kết quả kinh doanh không khả quan.
Tính hết năm 2012, tín dụng tăng 8,91%, trong đó bao gồm cả trái phiếu chính phủ. Như vậy, khác với các năm trước đó, tín dụng chỉ tính con số cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, thì từ năm 2012, việc mua trái phiếu chính phủ của các ngân hàng sẽ tính vào tăng trưởng tín dụng. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái thì đây là vốn mà ngân hàng cho chính phủ vay để thực hiện các dự án, nên cũng là cung vốn ra nền kinh tế.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn